Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 01/08/2023
Ngày có hiệu lực 01/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 01 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2023-2025

Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, các mục tiêu nhiệm vụ tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên tỉnh Bắc Giang; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

- Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

- Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông thôn phải bám sát các nội dung, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các chương trình, Đề án có liên quan được UBND tỉnh phê duyệt.

- Kế hoạch được triển khai trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch; khai thác, làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông thôn trong định hướng phát triển du lịch Bắc Giang. Phát triển du lịch nông thôn phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống của mỗi địa phương.

3. Phạm vi, đối tượng

a) Phạm vi thực hiện:

- Phạm vi về không gian: Triển khai khu vực nông thôn của tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn, do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.

- Phạm vi về thời gian: Từ năm 2023 đến năm 2025.

b) Đối tượng thực hiện: Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn; đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

- Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; lựa chọn ít nhất 03 mô hình điểm, điểm du lịch nông thôn (du lịch cộng đồng) được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

- Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn (du lịch cộng đồng) đặc thù.

- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

- Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

- 100% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên sử dụng được tiếng Anh giao tiếp thông thường.

III. NHIỆM VỤ

[...]