Kế hoạch 2606/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 2606/KH-UBND
Ngày ban hành 18/08/2023
Ngày có hiệu lực 18/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Văn Chiến
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2606/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 18 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 1833/KH-UBND ngày 10/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2025, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chương trình hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu trên địa bàn tỉnh có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận, số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

- Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

- Phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù trên địa bàn huyện, từ đó kết nối hình thành chuỗi mô hình liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi thực hiện

- Không gian: triển khai ở khu vực nông thôn của tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.

- Thời gian: Từ năm 2023 đến năm 2025.

2. Đối tượng thực hiện

Các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến địa phương và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn; đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM

- Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu đa dạng sinh học, phát huy tối đa lợi thế Vườn Di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các loại hình dịch vụ du lịch đường thủy, cắm trại, đi bộ xuyên rừng, xe ô tô địa hình, các hoạt động thể thao dưới nước.

- Phát triển các loại hình du lịch sinh thái; dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn hình thành các điểm dừng chân có bãi đỗ xe, bến tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông, các hoạt động thể thao dưới nước.

- Đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương cục Miền Nam; di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; địa điểm chiến thắng Tua Hai; Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời;..., rà soát, tham mưu bổ sung các điểm du lịch; các loại hình du lịch khu vực hồ Dầu Tiếng.

- Khuyến khích mỗi huyện, thị xã, thành phố đăng ký mô hình điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; ưu tiên đầu tư, nâng cấp, tu bổ cho các mô hình du lịch đã xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả, các mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường (chi tiết phụ lục I kèm theo).

2. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn

[...]