Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2022 về ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 25/02/2022
Ngày có hiệu lực 25/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hoàng Nghĩa Hiếu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Nghệ An, ngày 25 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và trên cơ sở các Văn bản của Ủy ban Quốc gia ứng phó Sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn: số 594/VP-UBQG ngày 29/12/2021 thông báo kết quả thẩm định Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch), số 61/VP-TDHC ngày 21/01/2022 thống nhất với nội dung của Kế hoạch; ý kiến đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 952/STNMT-BVMT ngày 21/02/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh nhằm nâng cao năng lực trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu, bảo đảm sẵn sàng và ứng phó kịp thời các tình huống, phối hợp hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh; phân định trách nhiệm, xây dựng lực lượng kiêm nhiệm, chuyên trách làm nòng cốt trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, cung cấp thông tin cần thiết đcho các cá nhân, tổ chức và đơn vị liên quan có thông tin, hướng dẫn đảm bảo công tác ứng phó nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi có sự cố tràn dầu xảy ra;

- Hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách, lực lượng cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh;

- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng và cơ sở vật chất cần thiết, bảo đảm cho hoạt động ứng phó các sự cố xảy ra;

- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực cho các cấp và các lực lượng, sẵn sàng thực hiện ứng phó sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”;

- Thiết lập được quy trình ứng phó, cơ chế phối hợp kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra.

2. Yêu cầu:

- Đánh giá hiện trạng điều kiện tự nhiên, thực trạng về nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh. Nhận diện được các đối tượng có nguy cơ, khu vực có khả năng gây ra sự cố tràn dầu;

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện và công tác tổ chức, tham gia ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra có hiệu quả;

- Dự kiến được các tình huống tràn dầu xảy ra ở trên đất liền, trên biển, tại cảng hoặc trên sông. Đề xuất các phương án, biện pháp ứng phó, xử lý phù hợp với thực tiễn của địa phương;

- Phân công nhiệm vụ cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị theo chức năng trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu;

- Bảo đảm kịp thời thông tin liên lạc, trang thiết bị ứng phó và công tác hậu cần, y tế... cho các lực lượng tham gia ứng phó.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

2.1. Đặc điểm tình hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn

2.1.1. Đặc điểm địa hình

Nghệ An là tỉnh duyên hải nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông tiếp giáp biển Đông. Nghệ An có diện tích là 16.493 km2, có chiều dài bờ biển 82 km, với 21 đơn vị hành chính, trong đó có 05 huyện, thành phố giáp với biển gồm: thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Địa hình của tỉnh được phân thành 03 vùng, miền núi, trung du và ven biển. Hầu hết bờ biển tỉnh Nghệ An đều có đê chắn sóng, phía ngoài đê đã quy hoạch nuôi trồng thủy sản và đất làm muối. Dọc theo bờ biển có 06 cửa lạch, thuận lợi cho việc vận tải biển và neo đậu tàu thuyền là: lạch Cờn (Thị xã Hoàng Mai), lạch Quèn, lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu); lạch Vạn (huyện Diễn Châu); Cửa Lò, Cửa Hội (thị xã Cửa Lò) và có 05 con sông lớn đổ ra biển là: sông Hoàng Mai, sông Mai Giang thuộc huyện Quỳnh Lưu, sông Bùng thuộc huyện Diễn Châu, sông Cấm và sông Cả (sông Lam) thuộc huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Tính trung bình cứ khoảng 14km bờ biển Nghệ An lại có 01 cửa sông hoặc vũng, vịnh nh.

Với địa hình đường bờ lõm, có nhiều cửa sông, cửa lạch như Nghệ An thì luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về sự cố tràn dầu nhất là khi triều lên vào mùa khô kiệt.

2.1.2. Đặc điểm thời tiết, khí hậu, thủy, hải văn

a) Thời tiết, khí hậu

- Nhiệt độ: nhiệt độ tỉnh Nghệ An giao động từ 22,4°C ÷ 35,2°C vào mùa hè, 15,2°C ÷ 30,0°C vào mùa đông.

- Gió: Nghệ An chịu ảnh hưởng của hai loại gió chủ yếu: gió mùa Đông Bắc và gió phơn Tây Nam. Gió mùa Đông Bắc thường xuất hiện vào mùa Đông bình quân mỗi năm có khoảng 30 đợt, mang theo không khí lạnh, khô làm cho nhiệt độ giảm xuống 5°C ÷ 10°C so với nhiệt độ trung bình năm. Gió phơn Tây Nam là một loại hình thời tiết đặc trưng cho mùa hạ của vùng Bắc Trung Bộ. Gió Tây Nam gây ra khí hậu khô, nóng và hạn hán, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh.

- Mưa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 tập trung chủ yếu vào tháng 7 đến tháng 10 ở hầu khắp tỉnh. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu mùa đông, không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trên biển (xoáy thuận nhiệt đới) và đặc điểm địa hình tạo ra cao điểm mùa mưa vào tháng 10 hàng năm.

- Bão: tỉnh Nghệ An nằm trong vùng ảnh hưởng của hoạt động áp thấp nhiệt đới và xoáy thuận nhiệt đới, bão nhiệt đới nên thường bị ảnh hưởng bởi những con bão lớn.

[...]