Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Kế hoạch 221/KH-UBND năm 2021 về ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 221/KH-UBND
Ngày ban hành 28/12/2021
Ngày có hiệu lực 28/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Nguyễn Văn Hòa
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 221/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TỈNH HẬU GIANG

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh nhằm nâng cao năng lực trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu (ƯPSCTD), bảo đảm sẵn sàng và ứng phó kịp thời, phối hợp hiệu quả khi có sự cố tràn dầu (SCTD) xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động phát sinh từ SCTD đến môi trường sinh thái, đến các ngành kinh tế và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và khu vực các tỉnh lân cận.

- Thiết lập được quy trình phản ứng, cơ chế phối hợp kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra.

- Đảm bảo các nguồn lực sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả cho các SCTD.

- Nâng cao năng lực trong công tác Ứng phó sự cố tràn dầu (ƯPSCTD) trên địa bàn tỉnh, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách, tổ chức, phân định trách nhiệm, xây dựng lực lượng chuyên trách làm nòng cốt và bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết trong hoạt động ƯPSCTD của tỉnh.

- Cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao và những khu vực nhạy cảm cần được ưu tiên bảo vệ để phục vụ công tác ngăn ngừa và ứng phó SCTD một cách hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Xây dựng Kế hoạch theo khung hướng dẫn của Phụ lục I tại Quyết định số 12/2021/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24 tháng 03 năm 2021 ban hành về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

- Xây dựng kế hoạch đúng hướng dẫn, sát thực tế và phù hợp với đặc thù của tỉnh Hậu Giang.

- Xác định vị trí địa lý và phạm vi, đánh giá được hiện trạng điều kiện tự nhiên, các khu vực nhạy cảm cần ưu tiên bảo vệ khi có sự cố và thực trạng nguồn lực ứng phó tràn dầu của tỉnh Hậu Giang.

- Xác định các đối tượng có hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng, lưu chứa, vận chuyển và kinh doanh các loại dầu và sản phẩm hóa dầu trong tỉnh, từ đó dự kiến được các tình huống tràn dầu xảy ra trên đất liền, cảng hoặc trên sông và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.

- Xây dựng lực lượng nòng cốt; phân bố lực lượng, bố trí trang thiết bị, nguồn lực ứng cứu và phương án phối hợp với các đơn vị xung quanh hoặc hợp đồng thuê dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu; cơ cấu tổ chức và phân công trách nhiệm quyền hạn, kế hoạch trang bị, đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh.

II.ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn

1.1.Vị trí địa lý và đặc điểm địa hình

Tỉnh Hậu Giang có vị trí trung tâm nằm ở tiểu vùng sông Hậu thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giữa một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dầy đặc. Tỉnh nằm kề thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Tỉnh Hậu Giang nằm trong tọa độ địa lý từ 9030'35 đến 10019'17 vĩ độ Bắc và từ 105014'03 đến 106017'57 kinh độ Đông.

Địa giới hành chính tỉnh Hậu Giang có tứ cận như sau:

+ Phía Bắc: giáp Thành phố Cần Thơ.

+ Phía Nam: giáp tỉnh Sóc Trăng.

+ Phía Tây: giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu.

+ Phía Đông: giáp tỉnh Vĩnh Long và một phần sông Hậu.

Hậu Giang có 08 đơn vị hành chính gồm 02 thành phố (thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy), 01 thị xã (Thị xã Long Mỹ) và 5 huyện (Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp và Vị Thủy). Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh 162.170 ha, chiếm 3,95% diện tích vùng ĐBSCL và chiếm khoảng 0,4% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.

1.2. Đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn

1.2.1. Đặc điểm địa hình

Hậu Giang là tỉnh ở Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, địa hình thấp trũng, độ cao trung bình dưới 2m so với mực nước biển. Địa hình tỉnh Hậu Giang khá bằng phẳng, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây với độ dốc dưới 30, cao trình phổ biến từ 0,2 - 1,0 m so với mực nước biển (chiếm hơn 90% diện tích tự nhiên), địa hình có độ cao 1,2 - 1,5m (chiếm dưới 10% diện tích tự nhiên), có thể phân chia thành các vùng sau:

[...]