Kế hoạch 1291/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1291/KH-UBND
Ngày ban hành 20/07/2021
Ngày có hiệu lực 20/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1291/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 20 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH” TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

Dân số và chính sách dân số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm kiểm soát quy mô dân số, từng bước nâng cao chất lượng dân số và giải quyết các vấn đề về cơ cấu dân số, duy trì và phát triển kinh tế bền vững. Trong tình trạng chung của toàn quốc, tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) của tỉnh những năm qua có biểu hiện chênh lệch cao (năm 2016 là 115 bé trai/100 bé gái; năm 2017 là 127 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 110 bé trai/100 bé gái; năm 2019 là 111 bé trai/100 bé gái). Thời gian qua, các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, bước đầu góp phần nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng, nguyên nhân và những hệ lụy của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 về mức 105,8 bé trai/100 bé gái1. Tuy nhiên con số này được thống kê chuyên ngành báo cáo trong vòng 01 năm, chưa đảm bảo tính bền vững lâu dài, nguy cơ về mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang có diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và là vấn đề nóng đối với công tác dân số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được xác định là do các yếu tố: Sự ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo, tâm lý thích con trai, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều cá nhân, cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ; việc dễ dàng tiếp cận, lạm dụng sự phát triển của công nghệ và sự tiến bộ của y học hiện đại trong hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp để lựa chọn giới tính thai nhi; chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa bảo đảm nên người cao tuổi có tư tưởng khi về già chủ yếu sống dựa vào con, cháu đặc biệt là mong muốn có con trai, cháu trai để nương tựa.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến thừa nam thiếu nữ trong tương lai, làm biến đổi các chỉ số nhân khẩu học, cơ cấu dân số theo giới tính, đồng thời tác động trực tiếp đến cơ cấu lao động, việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội. Đồng thời làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và sẽ trở thành thảm hoạ đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của quốc gia và mỗi địa phương.

Với tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng, đội ngũ cung cấp dịch vụ y tế và người dân trong việc thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát tốt tỷ số giới tính khi sinh cân bằng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG

Căn cứ Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 15/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh;

Căn cứ Chương trình hành động số 18/CTr/TU ngày 13/3/2018 của Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”;

Căn cứ Kế hoạch số 604/KH-UBND ngày 26/4/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Căn cứ Kế hoạch số 451/KH-UBND ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Quảng Bình thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ giải pháp của Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016.

Nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

Tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc thực thi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

2. Yêu cầu

Các hoạt động thực hiện nội dung nhiệm vụ của đề án, bám sát các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính khi sinh (GTKS).

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ... nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, không phân biệt con trai, con gái, không lựa chọn giới tính thai nhi.

Tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn tỉnh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, ổn định tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên, góp phần ổn định cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với an sinh xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Tiếp tục ổn định tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên, duy trì cơ cấu dân số ở mức hợp lý, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 107 trẻ nam/100 trẻ nữ sinh ra sống.

IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

[...]