Kế hoạch 128/KH-UBND về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021

Số hiệu 128/KH-UBND
Ngày ban hành 02/04/2021
Ngày có hiệu lực 02/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIẾP NHẬN VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2021

Thực hiện Quyết định số 3320/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Chương trình công tác năm 2021; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021, nội dung như sau:

I. CHỈ TIÊU

1. 100% cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn về nghiệp vụ trong việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

2. 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục để xác minh, xác định nạn nhân theo quy định của pháp luật.

3. 100% các trường hợp là người bị mua bán trở về đã được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xác định được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và được cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước khi có yêu cầu.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội; phối hợp hoạt động tuyên truyền phòng chống mua bán người với phòng chống mại dâm nhằm thay đổi hành vi tại cộng đồng; tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và các đảng viên tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

2. Tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

3. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân: Hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ giúp pháp lý miễn phí, chuyển tuyến an toàn ... giúp cho nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng bền vững; kết nối thông tin với các tỉnh bạn trong việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời thống kê, cập nhật danh sách và lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, xác định nhu cầu, trình độ, hoàn cảnh gia đình để có kế hoạch trợ giúp thích hợp.

4. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong hỗ trợ, giúp đỡ người bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng thông qua các mô hình hỗ trợ vay vốn tín dụng; huy động nhiều nguồn lực xã hội sẵn có để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, hỗ trợ dạy nghề và lồng ghép với chương trình “Xóa đói giảm nghèo” tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, ổn định cuộc sống hạn chế rủi ro trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người vì mục đích di cư tìm việc.

5. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người với các nước, các tổ chức quốc tế; trao đổi thông tin, kịp thời liên hệ, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân và phối hợp điều tra, bảo vệ, giải cứu nạn nhân; chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người.

7. Đảm bảo cơ sở vật chất để tiếp nhận và thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu cho người bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

8. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên hàng năm của các sở, ban, ngành và các địa phương theo phân cấp quản lý của Luật Ngân sách nhà nước; lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình khác của Trung ương. Huy động các nguồn lực xã hội; hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch này, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về được xác minh.

b) Hướng dẫn Trung tâm Nuôi dưỡng và Cung cấp dịch vụ công tác xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân hợp pháp trên địa bàn và các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định.

c) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành chức năng tổ chức tốt việc tiếp nhận những nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, hỗ trợ, dạy nghề, dạy văn hóa giúp họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

d) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người; vận động người dân thực hiện tốt việc di cư, kết hôn với người nước ngoài và đi làm ăn xa an toàn.

đ) Lập kế hoạch kinh phí phối hợp thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ người bị mua bán trở về theo chức năng và sự phân công của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh.

2. Công an tỉnh:

a) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tổ chức tiếp nhận, lập hồ sơ ban đầu để quản lý nạn nhân. Chỉ đạo Công an ở cơ sở phối hợp với chính quyền trong việc xác minh, xác định nạn nhân; cấp giấy xác nhận cho nạn nhân theo quy định.

b) Tổ chức điều tra, triệt phá các đường dây tổ chức mua bán người; thống kê số nạn nhân bị mua bán phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán theo quy định.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

[...]