Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2021 thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 209/KH-UBND
Ngày ban hành 07/07/2021
Ngày có hiệu lực 07/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 209/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 07 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05 tháng 5 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương và Xã hội về ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, pháp lý, y tế, giáo dục, hướng nghiệp phù hợp nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng, giảm nguy cơ bị mua bán trở lại.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, lồng ghép với việc thực hiện các kế hoạch của Chương trình phòng, chống mua bán người và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Nạn nhân bị mua bán trở về được xác minh, bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ ngay từ khi tiếp nhận đến khi tái hòa nhập cộng đồng.

- Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán phải dựa trên đặc điểm, nhu cầu của nạn nhân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động, khuyến khích sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ nạn nhân, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, chuyển tuyến trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nhằm giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tránh bị mua bán trở lại.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% người dân tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến lĩnh vực này.

- 100% thông tin liên quan mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý theo luật định.

- 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân để giải quyết các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- 100% nạn nhân và người thân có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai.

- Đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở tiếp nhận nạn nhân ban đầu do Bộ đội Biên phòng quản lý và Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định của pháp luật.

- Cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ nạn nhân, đảm bảo thực hiện việc tiếp cận và hỗ trợ dựa trên quyền và lấy nạn nhân làm trung tâm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

- Tổ chức truyền thông về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; phổ biến chính sách, pháp luật, chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; các mô hình hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả… thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của địa phương.

- Chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, đặc biệt tại các huyện giáp biên giới; tăng cường truyền thông về các nội dung liên quan đến mua bán người trong nước, mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động, lừa đảo mua bán người thông qua tổ chức đưa người đi lao động, mua bán nội tạng, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

2. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người.

[...]