Kế hoạch 123/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 123/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2017
Ngày có hiệu lực 16/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Đào Anh Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 16 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 07 THÁNG 4 NĂM 2017 CỦA THÀNH ỦY CẦN THƠ VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu, phương hướng

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện theo hướng đa dạng, phát huy thế mạnh từng vùng; ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng, hội nhập quốc tế theo chiều sâu và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn;

b) Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp là mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

c) Thực hiện đồng bộ trong đầu tư, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu và ứng dụng tăng năng suất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến quá trình sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững;

d) Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực địa phương, gắn với thực hiện liên kết vùng, tiếp thu có chọn lọc thành tựu khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế, làm chủ công nghệ hiện đại;

đ) Huy động sự tham gia của lực lượng nghiên cứu ở các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, trước hết là doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, công nghệ, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

2. Mục tiêu

a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất cao, giá trị lớn, an toàn, chất lượng vượt trội và khả năng cạnh tranh cao. Góp phần đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt bình quân trên 3,5%/năm trở lên;

b) Hoàn thành đầu tư hạ tầng 03 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và các tổ chức khoa học, công nghệ và đào tạo tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL);

c) Hình thành và phát triển 05 - 10 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hàng năm tập huấn được 500 - 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, nông dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

3. Phương hướng

a) Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp ở trình độ cao, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đảm bảo phát triển nhanh, bền vững;

b) Phát triển mạnh, đa dạng cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị khép kín. Phát triển công nghệ sinh học và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch xây dựng vùng sản xuất giống cho các sản phẩm chủ lực của thành phố (lúa, rau quả, thủy sản, chăn nuôi);

c) Xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm, trình diễn, sản xuất và cung ứng các sản phẩm và dịch vụ khoa học, công nghệ, tạo bước đột phá, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của thành phố chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

d) Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn; hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020;

đ) Tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ cao, trọng tâm là ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp. Đẩy mạnh dịch vụ giống nông nghiệp; công nhận và đưa vào sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt cho các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ mới trên từng lĩnh vực;

e) Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển liên kết, hợp tác, đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu nông nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

II. Danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp cụ thể như sau:

1. Công nghệ sinh học trong nông nghiệp

a) Công nghệ lai tạo giống cấy trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử để tạo ra các giống cây, con mới có đặc tính ưu việt (năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu);

[...]