Kế hoạch 1217/KH-UBND năm 2023 phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1217/KH-UBND
Ngày ban hành 06/04/2023
Ngày có hiệu lực 06/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1217/KH-UBND

Lai Châu, ngày 06 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; Số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG SỐ

I. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG SỐ

1. Hạ tầng viễn thông

Trên toàn tỉnh hiện có 04 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại (bao gồm Vinaphone “VNPT”, Viettel, MobiFone, Vietnamobile), 02 nhà cung cấp dịch vụ Internet (bao gồm Vinaphone “VNPT”, Viettel). Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ. Tính đến ngày 15/3/2023, tổng số thuê bao điện thoại hiện tại đạt 397.943 thuê bao, thuê bao Internet đạt 43.716 bao gồm hình thức ASDL, xDSL và FTTH; ngoài ra còn có Internet thông qua thiết bị 3G, 4G.

Mạng thông tin di động đã được đầu tư phát triển tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thiết bị thông minh phát triển mạnh đang dần thay thế các thiết bị 2G; Tỷ lệ thôn, bản đã được phủ sóng điện thoại di động1 trong đó: Tỷ lệ phủ sóng Viettel: 97%; Tỷ lệ phủ sóng Vinaphone: 86%; Tỷ lệ phủ sóng MobiFone: 42%; Tỷ lệ phủ sóng Vietnamobile: 8%.

Mạng Internet băng rộng cố định đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thuê bao Internet hộ gia đình đạt 41,5% trên tổng số hộ gia đình; 73% thôn, bản có hạ tầng cáp quang phục vụ2.

2. Hạ tầng bưu chính

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện thông báo hoạt động về Sở Thông tin và Truyền thông. Trong đó có 02 doanh nghiệp (Bưu điện tỉnh, Viettelpost), 01 công ty (Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thần Phong); 07 doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động với hình thức văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh (Công ty cổ phần dịch vụ Giao hàng nhanh chi nhánh Lai Châu; Công ty TNHH MTV chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Thái Nguyên; Chi nhánh Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm tỉnh Lai Châu; Công ty Cổ phần đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín; Công ty TNHH Shopee Express; Công ty Cổ phần 247; Công ty TNHH Best Express (Việt Nam)).

Thực hiện Quyết định số 392/QĐ-BTTTT ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 3703/KH-UBND ngày 04/10/2022 triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Hiện tại số lượng hộ gia đình có địa chỉ số trên địa bàn tỉnh Lai Châu là 90.696 hộ.

3. Hạ tầng công nghệ thông tin

Hạ tầng mạng số liệu chuyên dùng đã kết nối đến các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đã triển khai đến 134 điểm cầu (123 điểm cầu của VNPT gồm 112 điểm tại các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, 11 điểm tại tỉnh; 10 điểm cầu của Viettel tỉnh), ngoài ra còn ứng dụng các hệ thống học trực tuyến, họp trực tuyến theo các hình thức Web Conferencing, Video Confenence…

Hiện tại, 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, 100% kết nối Internet cáp quang.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đang được triển khai đảm bảo liên thông cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trên NGSP với Hệ thống thông tin của tỉnh, cụ thể:

+ 07 kết nối qua LGSP của tỉnh đã hoàn thành: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ kế hoạch và đầu tư) với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh; (2) Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh; (3) Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh; (4) Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp) với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh; (5) Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp) với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh; (6) Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính) với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh; (7) Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh.

+ 01 kết nối qua LGSP của tỉnh đang thực hiện: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh Lai Châu với Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh.

+ 02 kết nối trực tiếp: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) - Kết nối trực tiếp từ Hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đến CSDLQGvDC của Bộ Công An; (2) Kết nối hệ thống thanh toán Payment Platform của Cổng DVC quốc gia - Kết nối trực tiếp từ Hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đến Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trung tâm dữ liệu tỉnh đã được xây dựng đáp ứng theo tiêu chuẩn TCVN 9250:2012, triển khai mô hình “4 lớp” an toàn thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giám sát an toàn thông tin với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia.

Trang bị máy tính cho cán bộ, công chức cấp tỉnh đảm bảo 93,9%; cấp huyện 98,5%, cấp xã đạt 97.3%. 100% các cơ quan, đơn vị đã kết nối mạng LAN.

4. Hạ tầng điện toán đám mây

Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tập trung chuyển hướng đầu tư, phát triển hạ tầng điện toán đám mây, các nền tảng số, hệ thống trang thiết bị thông minh hóa hạ tầng phục vụ xây dựng đô thị thông minh và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hiện nay, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh chưa triển khai hạ tầng điện toán đám mây. Trong các hạng mục đầu tư liên quan đến Trung tâm dữ liệu của tỉnh phục vụ chuyển đổi số đang đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây và một số dịch vụ đã thuê theo công nghệ điện toán đám mây như: thuê máy chủ bảo mật sử dụng công nghệ điện toán đám mây, thuê Hệ thống khám chữa bệnh và lưu trữ hồ sơ khám chữa bệnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây, thuê Hệ thống dịch vụ công trực tuyến sử dụng công nghệ điện toán đám mây…

5. Hiện trạng triển khai các nền tảng số quốc gia của tỉnh

[...]