Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2625/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 2625/KH-UBND
Ngày ban hành 21/07/2023
Ngày có hiệu lực 21/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Minh Hùng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2625/KH-UBND

Hải Dương, ngày 21 tháng 07 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TW, NGÀY 04/5/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 21-CT/TW);

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21- CT/TW của Ban Bí thư (sau đây gọi chung là Kế hoạch), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp trong xã hội, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề và trình độ đào tạo tăng, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, xây dựng giai cấp công nhân, nông dân hiện đại, lớn mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

2. Yêu cầu

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TW phù hợp với tình hình của từng cơ quan, địa phương, đơn vị và xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 -55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; Phấn đấu Trường Cao đẳng nghề Hải Dương được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao; Phấn đấu có từ 2 đến 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; Hệ thống ngành, nghề trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ đáp ứng tổ chức đào tạo, trong đó 2-3 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong nước, khu vực Asean và thế giới. Đến năm 2045, Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khâu đột phá thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

- Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại địa phương. Xác định rõ từng đối tượng để tuyên truyền, gồm: Hệ thống chính trị; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; người học tiềm năng; người học nghề; doanh nghiệp, người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế; các cơ quan, tổ chức quốc tế có hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp tại Hải Dương và người dân xác định đúng vấn đề đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là một trong những điều kiện nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và toàn thể nhân dân về ý nghĩa của giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng không gian truyền thông về phát triển giáo dục nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, ứng dụng của nền tảng kỹ thuật số, không gian công cộng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các điểm văn hóa, du lịch… để kịp thời truyền tải đầy đủ những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp tới người dân và toàn xã hội. Xây dựng các phóng sự chuyên đề để giới thiệu về công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giới thiệu những gương điển hình, những mô hình khởi nghiệp hiệu quả để lan tỏa, nhân rộng, nâng cao hình ảnh về công tác giáo dục nghề nghiệp và khởi nghiệp.

- Kịp thời cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu của thị trường lao động để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp có chương trình đặt hàng tuyển dụng và định hướng tuyển sinh, đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương.

2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của tỉnh, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tăng cường đổi mới công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ; khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

- Các cơ quan chuyên môn rà soát, phối hợp kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp để triển khai đồng bộ, hiệu quả.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách của tỉnh để hỗ trợ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người học nghề có điều kiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung và giải pháp trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh và kế hoạch thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” theo quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng chính phủ.

3. Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người chấp hành xong hình phạt tù, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Quan tâm đào tạo, đào tạo lại cho người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trở về nước khi hết hạn hợp đồng, người lao động phải dịch chuyển từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn; Ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp theo quyết định số 3764/QĐ-UBND ngày 16/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, kế hoạch của tỉnh liên quan đến nhóm đối tượng là thanh niên trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên.

- Tổ chức thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các hoạt động tự đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động.

- Thực hiện lồng ghép các giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng là lao động nông thôn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương.

[...]