Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 148/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 209-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 148/KH-UBND
Ngày ban hành 26/07/2023
Ngày có hiệu lực 26/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 209-KH/TU NGÀY 27/6/2023 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TW NGÀY 04/5/2023 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện nội dung Kế hoạch số 209-KH/TU ngày 27/6/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 21-CT/TW) và trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 92/TTr-SLĐTBXH ngày 19/7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

- Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ cụ thể của các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 21-CT/TW; nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Yêu cầu

- Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ; phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh và địa phương, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị số 21-CT/TW và Kế hoạch số 209-KH/TU ngày 27/6/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN-4. Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; các chính sách đối với người học; trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.

- Xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở địa phương, lĩnh vực mình phụ trách.

- Huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

- Phối hợp hiệu quả với các ban, bộ, ngành trung ương để rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.

- Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp; thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm chất lượng để người học tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ.

- Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; ưu tiên quy hoạch đất, tạo quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp.

- Tổ chức các chương trình, sự kiện, cuộc thi nhằm tôn vinh người học, nhà giáo, người dạy nghề, cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, lao động có kỹ năng, các tổ chức có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề.

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp để quy hoạch, phát triển mạng lưới hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, vùng miền; đồng thời, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài.

- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và đánh giá, công nhận kỹ năng, trình độ của người học, người lao động. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học; thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

- Nâng cấp và chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gắn kết quả đào tạo với giải quyết việc làm theo địa chỉ. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.

- Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

- Chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác đào tạo, trao đổi chuyên gia, nhà giáo, người học và tích cực tham gia các hoạt động khu vực và quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp.

[...]