Kế hoạch 12/KH-UBND về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 18/01/2022
Ngày có hiệu lực 18/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xây dựng Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng (viết tắt là PCTN), nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN.

1.2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả, thực chất các giải pháp PCTN.

1.3. Phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN và xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi tham nhũng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

2. Yêu cầu

2.1. Công tác PCTN phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN.

2.2. Các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN

a) Nội dung thực hiện: Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN; tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

b) Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh.

c) Cơ quan phối hợp: Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị, có liên quan.

d) Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN

a) Nội dung thực hiện:

Chỉ đạo rà soát, xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Thông qua công tác quản lý nhà nước và kết quả kiểm tra rà soát văn bản quy phạm pháp luật của từng ngành, từng lĩnh vực, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, phí, lệ phí, công tác tổ chức cán bộ; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn... bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, các quy định chặt chẽ, không tạo kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

b) Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

c) Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, có liên quan.

d) Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCTN; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN; ổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, chuyển đổi vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.

[...]