Quyết định 4410/QĐ-UBND năm 2021 về Chuyên đề số 9 "Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định 59/2019/NĐ-CP" do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 4410/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/10/2021
Ngày có hiệu lực 11/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4410/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHUYÊN ĐỀ SỐ 9 "THỰC HIỆN VIỆC CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC THEO LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2019/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ"

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025";

Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025";

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2808/TTr-SNV ngày 01 tháng 10 năm 2021 về việc ban hành Chuyên đề số 9 triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thành ủy Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chuyên đề số 9 "Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐ Chương trình 10-CTr/TU của Thành ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND Thành phố;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- Ban Tổ chức Thành ủy;
- VPUBTP: CVP, PCVP Võ Tuấn Anh;
Các phòng: NC, TKBT, THCB;
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

CHUYÊN ĐỀ SỐ 9

THỰC HIỆN VIỆC CHUYỂN ĐỔI VỊ TRÍ CÔNG TÁC THEO LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2019/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4410/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội)

Triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025"; UBND Thành phố xây dựng Chuyên đề số 9 "Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ", với các nội dung cụ thể như sau:

Phần I

TÍNH CẤP THIẾT VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN

I. TÍNH CẤP THIẾT

Chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (chuyển đổi vị trí công tác) là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ, Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019) và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2019) tiếp tục kế thừa, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong các quy định trước đây.

Trong thời gian qua, việc chuyển đổi vị trí công tác được duy trì và thực hiện theo định kỳ, là một giải pháp cần thiết để tăng cường công tác giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa những phát sinh tiêu cực, đồng thời cũng là điều kiện, môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm thực tế ở những vị trí công tác khác nhau, phát huy tính năng động, sáng tạo, tạo ra phong cách, tác phong làm việc mới hiệu quả hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; ngoài ra, việc chuyển đổi vị trí công tác cũng góp phần điều chỉnh, tăng cường công chức, viên chức có chuyên môn nghiệp vụ cho các lĩnh vực quản lý, địa bàn cần thiết khi có yêu cầu. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai việc chuyển đổi vị trí công tác hiện nay trên địa bàn Thành phố đã và đang đặt ra những vấn đề cần được giải quyết nhằm hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi của giải pháp phòng, ngừa tham nhũng này trên thực tế.

Với yêu cầu đặt ra, việc triển khai thực hiện Chuyên đề "Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ" trên địa bàn Thành phố là cần thiết.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN CỦA CHUYÊN ĐỀ

1. Chủ trương, chính sách của Đảng

Trong những năm qua, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phn phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Ngày 21 tháng 8 năm 2006, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí; đây là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đcập một cách toàn diện, tập trung về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với mục tiêu "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính". Để đạt được mục tiêu, Nghị quyết đã đề ra 10 chủ trương, giải pháp; trong đó giải pháp về "tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí" đưa ra yêu cầu "... Thực hiện nghiêm túc, mở rộng dần diện chuyển đổi vị trí công tác trong hệ thống chính trị...".

[...]