Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025

Số hiệu 119/KH-UBND
Ngày ban hành 09/06/2021
Ngày có hiệu lực 09/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Thanh Nhàn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 09 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT SINH VẬT NGOẠI LAI XÂM HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020.

Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng kế hoạch tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại đến năm 2025 như sau:

I. TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NGĂN NGỪA VÀ KIỂM SOÁT SINH VẬT NGOẠI LAI XÂM HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020

Thời gian qua, các sở ngành, địa phương đã có một số hoạt động nhằm quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Kết quả đạt được như sau:

1. Kết quả đạt được:

1.1 Điều tra, thống kê loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn:

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, bằng nhiều phương pháp điều tra, thu thập thông tin và đánh giá thực tế sơ bộ đã ghi nhận xác định sự hiện diện của 08 loài ngoại lai xâm hại. Trong đó có 02 loài có diện tích xâm hại cao với mật độ và phân bố trên diện rộng là cá Lau kính và ốc Bươu vàng.

Tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, cùng với sự phát triển các du lịch, hạ tầng giao thông quanh đảo, xuyên rừng và việc đi lại thuận lợi giữa đất liền và đảo, đã kéo theo sự xuất hiện của các loài ngoại lai xâm hại. Kết quả điều tra, đánh giá thực trạng xâm lấn của các loài thực vật ngoại lai tại Vườn Quốc gia Phú Quốc vào năm 2018 đã ghi nhận 05 loài thực vật ngoại lai xâm hại, ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia.

Tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã hoàn thành điều tra, đánh giá hiện trạng và mức độ xâm hại của các loài ngoại lai xâm hại vào năm 2019, đã ghi nhận đến 77 loài thực vật, 02 loài động vật ngoại lai xâm hại ở Vườn Quốc gia. Trong đó có 05 loài ngoại lai xâm hại theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT và danh sách 100 loài nguy hiểm của thế giới theo GISD-IUCN và Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và sơ đồ phân bố của các loài ngoại lai xâm hại.

1.2. Tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài ngoại lai:

Lực lượng hải quan cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm dịch tại cửa khẩu để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loài ngoại lai xâm hại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện các hoạt động kiểm soát nuôi trồng, phát triển, sản xuất, kinh doanh loài ngoại lai trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; kiểm soát quy trình kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu nhằm ngăn ngừa sinh vật ngoại lai xâm hại.

1.3. Thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng ở Việt Nam bao gồm: Ốc Bươu vàng (Pomacea canaliculata), cây Mai dương (Mimosa pigra), cây Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha):

Mặc dù ở cấp Bộ ngành Trung ương chưa triển khai chương trình kiểm soát và diệt trừ trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định 1896/QĐ-TTg, nhưng tại Kiên Giang, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã chủ động thực hiện tương đối tốt việc kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại đối với diện tích rừng đặc dụng, từng bước kịp thời, ngăn chặn và khống chế diện tích xâm lấn của 02 loài cây Mai dương (Mimosa pigra), cây Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha) tại Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

1.4. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại:

Các sở, ban ngành đã tổ chức triển khai, chỉ đạo trong hệ thống ngành, địa phương về quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại. Công tác tuyên truyền về tác hại của sinh vật ngoại lai cũng được thực hiện thường xuyên thông qua các đợt tuyên truyền hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới hàng năm của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Các cơ quan báo chí như Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang đã có nhiều tin, bài tuyên truyền về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại đngười dân biết.

2. Những tồn tại, khó khăn và nguyên nhân:

Mặc dù việc thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại thời gian qua đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn những tồn tại, khó khăn sau:

- Về nhận thức: nhận thực của các cơ quan quản lý và nhân dân về tác hại của sinh vật ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Vào các dịp lễ tết, tại các địa phương vẫn còn tồn tại việc mua bán rùa tai đỏ để phóng sinh. Nguyên nhân chính là do hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa thực sự hiệu quả, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Về quy định pháp luật: quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại tại Luật Đa dạng sinh học còn chung chung, mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Thiếu các quy định cụ thể hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng ngừa như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh...Pháp luật chưa mang tính bao quát, dự báo đến các trường hợp xảy ra trong thực tiễn. Trong khi đó, Luật Đa dạng sinh học không quy định việc ban hành các văn bản nêu trên do đó không có căn cứ pháp lý để xây dựng các văn bản hướng dẫn về kiểm soát, phòng ngừa, đánh giá nguy cơ...các loài ngoại lai xâm hại.

- Về thực thi pháp luật: mặc dù Luật Đa dạng sinh học quy định cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai nhưng trên thực tế, nhiều loài vẫn được phát tán thường xuyên, trường hợp điển hình là hoạt động phóng sinh Rùa tai đỏ. Các hành vi trái phép không được phát hiện bởi các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều khi do phản ánh của các cơ quan ngôn luận. Các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại chưa được thống nhất, thiếu tính khả thi.

- Về nguồn lực quản lý loài ngoại lai xâm hại: nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, điều tra, đánh giá, kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai rất hạn chế. Nguồn nhân lực và năng lực để quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

- Về năng lực, kỹ thuật quản lý loài ngoại lai xâm hại: thiếu các kỹ năng nhận dạng và xác định chính xác loài ngoại lai xâm hại; các biện pháp, công nghệ để kiểm soát loài ngoại lai xâm hại còn hạn chế.

- Về cơ chế phối hợp trong quản lý loài ngoại lai xâm hại: hiện nay, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và với địa phương còn yếu và chậm. Nhiều nhiệm vụ của các bộ, ngành được giao trong Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa triển khai thực hiện và các Bộ, ngành chưa hướng dẫn để địa phương thực hiện. Từ đó, dẫn tới địa phương lúng túng hoặc không có khả năng tự triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG NGĂN NGỪA VÀ KIỂM SOÁT SINH VẬT NGOẠI LAI XÂM HẠI ĐẾN 2025

[...]