Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2019 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực của nền kinh tế do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 119/KH-UBND
Ngày ban hành 21/11/2019
Ngày có hiệu lực 21/11/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Đặng Trọng Thăng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/KH-UBND

Thái Bình, ngày 21 tháng 11 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC CỦA NỀN KINH TẾ

Thực hiện Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 05/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 05/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Xác định nội dung và phân công công việc cụ thể cho các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 134-KH/TU ngày 05/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

II. NỘI DUNG

1. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các quy định, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nhằm khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong dân và các thành phần kinh tế; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế địa phương.

2. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.

3. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất, các sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tôn trọng tính phổ biến hơn là nhấn mạnh tính đặc thù; định vị vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tập trung vào định hướng, dẫn dắt và thực hiện những dịch vụ công, đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực hoặc không có nhu cầu đầu tư.

4. Nâng cao năng lực kiến tạo, quản trị của các cấp chính quyền và năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo trên các ngành, lĩnh vực. Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.

5. Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu nội hàm, phương thức vận hành và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể vào một số ngành, lĩnh vực, địa bàn để chủ động hội nhập và hòa chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp này.

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin về các nguồn lực trong nền kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu triển khai thực hiện các nội dung:

- Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, phát triển giáo dục - đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ. Triệt để khắc phục "bệnh thành tích" và những tiêu cực trong giáo dục, đào tạo.

- Chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội nắm bắt thông tin về cung - cầu lao động để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; thực hiện các giải pháp tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng lao động.

- Đổi mới nội dung, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác hướng nghiệp trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng theo yêu cầu của thị trường lao động.

- Đầu tư, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục năng khiếu trong giáo dục phổ thông; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, đóng góp về tài chính, nhân lực, vật lực xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục năng khiếu.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu triển khai thực hiện các nội dung:

- Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

- Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thông tin cung - cầu nhân lực, việc làm; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh làm căn cứ để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường, có chính sách điều tiết quy mô và cơ cấu đào tạo phù hợp, khắc phục tình trạng mất cân đối và lãng phí trong đào tạo.

- Rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển và điều kiện thực tế của địa phương. Thu hút đầu tư, hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng xã hội hóa, gắn đào tạo nghề với phát triển các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp.

- Xây dựng mạng lưới và khuyến khích phát triển các trung tâm dịch vụ việc làm, tổ chức thị trường lao động thường xuyên, công khai, minh bạch; kết nối hệ thống các sàn giao dịch, giới thiệu việc làm và các điểm giao dịch việc làm trên địa bàn toàn tỉnh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cải thiện điều kiện, môi trường lao động để tạo động lực, khuyến khích lao động hiệu quả, sáng tạo. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động tiền lương, đào tạo nghề, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội..., kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm; thúc đẩy tăng cường cơ chế thỏa thuận về tiền lương, thực hiện trả lương đúng với giá trị sức lao động để tiền lương trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, động viên người lao động cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo.

3. Sở Nội vụ chủ trì tham mưu triển khai thực hiện các nội dung:

- Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách về đánh giá, sử dụng nhân lực trong khu vực nhà nước; phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả "nhân tài".

- Phối hợp xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, gắn với kết quả hoạt động công vụ và hiệu suất làm việc.

[...]