Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 11500/KH-UBND năm 2021 về phân công nhiệm vụ chuẩn bị nội dung xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 11500/KH-UBND
Ngày ban hành 21/09/2021
Ngày có hiệu lực 21/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Cao Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11500/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 21 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHUẨN BỊ NỘI DUNG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHỤC HỒI KINH TẾ TỈNH ĐỒNG NAI

Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Trong 8 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh tăng trưởng chậm, so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng 3,07%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,41%; tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 963,88 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ, thu hút đầu tư trong nước đạt 13.379,1 tỷ đồng, bằng 53,1% so với cùng kỳ, gần 250 doanh nghiệp giải thể, hơn 630 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Lĩnh vực y tế bị ảnh hưởng nặng nề do tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất vào công tác phòng, chống dịch. Theo Tổng cục Thống kê, GRDP tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,74%, dự ước cả năm 2021 tăng trưởng đạt 4,61%.

Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã và đang tập trung toàn lực để dập dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, tiến tới cuối năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người dân đủ điều kiện tiêm trên địa bàn tỉnh để có thể đạt miễn dịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh Covid-19, phục hồi và lấy lại đà phát triển kinh tế bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm sóc sức khỏe và ổn định đời sống nhân dân.

- Từng bước phục hồi kinh tế, tạo nền tảng cho tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

- Đề xuất các giải pháp, các mô hình kinh tế trên nền tảng ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm an toàn phòng chống dịch, giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng con người, đi đôi với việc khôi phục kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội. Chuyển từ định hướng “không Covid-19” sang từng bước sống chung với dịch bệnh Covid-19 trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các phương án sống chung với Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn dân để sớm đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều, kiểm soát tử vong, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội để kinh tế phục hồi theo hướng bn vững, khơi thông lại dòng chảy nguồn lực trong các thị trường của nền kinh tế theo hướng giảm thiểu mức độ lây lan.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các thành phần kinh tế để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa, từng bước phục hồi nền kinh tế thích ứng với bối cảnh Covid-19 còn tiếp diễn.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Bối cảnh quốc tế

- Thực tiễn cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới kể cả tỷ lệ bao phủ vaccine hai mũi trên 70%, số ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh vì biến chủng Delta. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine sẽ giúp hạn chế các ca bệnh nặng và tử vong.

- Nhiều quốc gia đang dần cho phép người dân quay lại nhịp sống hằng ngày, vì họ nhận ra rằng phải học cách sống chung với đại dịch Covid-19. Có 03 đặc điểm chung trong các kế hoạch mở cửa phục hồi kinh tế của các quốc gia, đó là: (1) các quốc gia chia thành các giai đoạn khác nhau để tính toán mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội; (2) bên cạnh chia thành từng giai đoạn thì các nước cũng chia thành các mức độ khác nhau dựa trên tình hình dịch tễ và y tế để quyết định các chính sách về giãn cách xã hội và mở cửa kinh tế; (3) có 02 cách tiếp cận về mở cửa hoặc là theo các ngành nghề hoặc là theo khu vực dựa trên mức độ an toàn.

- Các quốc gia như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Chile... đang trên đà phục hồi, với hàng loạt chính sách, giải pháp, ưu tiên nguồn lực lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

2. Bối cảnh trong nước và trong tỉnh

Tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Điều này cho thấy các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của tỉnh cần phải tính toán rất kỹ lưỡng với chính sách và sự phối hợp của cả vùng, trước hết là các địa phương giáp với tỉnh (Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Lâm Đồng). Trong đó, việc tăng cường tiêm vắc-xin cho các tỉnh khu vực Đông Nam bộ là điều kiện cần thiết để triển khai các chính sách phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với tỉnh Đồng Nai, sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với nhiều mức độ kể từ ngày 31/5/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 15/9/2021, tỉnh có 37.236 ca bệnh, có hơn 16.000 ca đã điều trị khỏi và 337 ca tử vong. Mặc dù đang gặp phải nhiều khó khăn, song hoạt động phòng, chống dịch ở tỉnh Đồng Nai cũng đạt được một số kết quả tích cực, trong đó quan trọng nhất là về tiêm chủng vắc-xin. Đến nay đã bao phủ được khoảng 67,1% mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 69.458 người đã tiêm đủ liều.

Các giải pháp sản xuất như “3 tại chỗ” hay “2 địa điểm, 1 cung đường” chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, về lâu dài doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như: chi phí sản xuất tăng cao, đầu vào nguyên vật liệu và công suất giảm, F0 xuất hiện trong doanh nghiệp. Tình trạng lao động rời nhà máy, trở về quê là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dự báo sẽ khan hiếm nguồn lao động.

3. Điều kiện để sống chung với dịch Covid-19

- Người dân được bảo vệ bằng vắc-xin, phấn đấu đến cuối năm 2021 tỉnh Đồng Nai đạt tỷ lệ 70% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều.

- Kiểm soát được dịch Covid-19, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong; đảm bảo cân đối cân đối tỷ lệ nhập viện, ra viện tại các bệnh viện để không xảy ra tình trạng quá tải, cần xây dựng các kịch bản, phân loại cấp độ dịch để có kế hoạch ứng phó, xử lý khác nhau.

- Đảm bảo an toàn khi vận hành lại nền kinh tế, các doanh nghiệp phải xác định điều kiện và môi trường làm việc phải đảm bảo 5K, đeo khẩu trang khi làm việc, phân bố lao động hợp lý để đảm bảo an toàn, cũng như phải có hệ thống theo dõi sức khỏe nhân viên...

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Đẻ đảm bảo các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai bám sát diễn biến thực tế của dịch và nguồn lực của tỉnh, UBND tỉnh giao các Sở, ban ngành và địa phương đề xuất các giải pháp để khôi phục lại nền kinh tế, làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành Chương trình khôi phục kinh tế tỉnh Đồng Nai, trong đó tập trung các lĩnh vực sau:

[...]