Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 1146/KH-UBND năm 2023 về phát triển hạ tầng số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1146/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2023
Ngày có hiệu lực 28/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1146/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 28 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 02/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 59-CTr/BCSĐ ngày 27/01/2022 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

Các kế hoạch, quyết định UBND tỉnh đã ban hành liên quan triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh.1

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận, đồng thời cụ thể hoá và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, phủ sóng 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, nền tảng điện toán đám mây, nền tảng danh tính số và các nền tảng về phần mềm, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, an toàn, an ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ.

Hạ tầng số được phát triển với tốc độ cao, băng thông rộng, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.

Hạ tầng số là hạ tầng kinh tế xã hội, do đó phải an toàn, tin cậy, có chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo niềm tin cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng.

Hạ tầng số phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ, được phát triển theo hướng kết nối cơ sở dữ liệu tập trung, lưu trữ, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

III. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG SỐ ĐẾN NĂM 2022

1. Hạ tầng kết nối

a) Mạng viễn thông băng rộng di động

Mạng thông tin di động đã được đầu tư phát triển tại 65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tốc độ truy nhập trung bình là 51 Mb/s, cao hơn mức trung bình của cả nước là 35,29 Mb/s.

Thiết bị thông minh phát triển đang dần thay thế các thiết bị 2G và tổng số thuê bao điện thoại di động sử dụng Smartphone 478.946 thuê bao trên tổng số 686.236 thuê bao điện thoại, chiếm 80% tỷ lệ dân số của tỉnh, cao hơn mức trung bình của cả nước là 70,9%. (dân số trung bình năm 2022 tỉnh Ninh Thuận 598.683 người).

Toàn tỉnh có 289/289 thôn (100%) đã được phủ sóng điện thoại di động, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ băng rộng di động.

b) Mạng viễn thông băng rộng cố định

Hạ tầng Internet băng rộng cố định đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tốc độ truy nhập trung bình xấp xỉ với tốc độ trung bình của cả nước là 71,79 Mb/s.

Đến nay, toàn tỉnh có 288/289 thôn (99,6%) đã có hạ tầng cáp quang phục vụ hộ gia đình. Hiện còn thôn Ma Lâm - xã Phước Tân - huyện Bác Ái chưa có hạ tầng, các doanh nghiệp viễn thông đang thực hiện triển khai xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ trong năm 2023.

Số thuê bao Internet băng rộng cố định là 83.958 thuê bao, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 75% hộ gia đình, trường học, bệnh viện.

2. Hạ tầng dữ liệu và nền tảng số

Mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã. Hiện nay, đã kết nối 65/65 xã, phường, thị trấn; 7/7 huyện, thành phố; các sở, ban, ngành và một số đơn vị trực thuộc các sở, ngành; phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tốc độ kết nối tối thiểu tại các sở, ban, ngành, huyện/thành phố là 8Mbps; tốc độ kết nối tối thiểu đối với cấp xã là 4Mbps.

Hệ thống Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội bộ của tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Quốc gia (NDXP) để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.

Nền tảng tích hợp kho dữ liệu số dùng chung đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu số dùng chung của tỉnh để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu dùng chung của tỉnh, đang tích hợp các cơ sở dữ liệu tại Trung tâm tích hợp dữ liệu.

Hạ tầng kết nối IoT, một số ứng dụng đã được thương mại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc sống, triển khai có hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, giám sát giao thông, giám sát hồ, đập, môi trường nước, v.v.

[...]