Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 114/KH-UBND năm 2017 thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 114/KH-UBND
Ngày ban hành 03/05/2017
Ngày có hiệu lực 03/05/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Phạm Anh Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 03 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM HOÀN THIỆN, NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI HOẠT ĐỘNG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định số 3951/QĐ-BNN-KTHT ngày 26/9/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch “Thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020” như sau:

Phần 1

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2016

I. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, khu vực kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực và có bước phát triển về chất, nhiều hợp tác xã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, hình thành các mô hình hợp tác xã liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới. Kết quả trong giai đoạn 2011 - 2016, đã tuyên truyền, vận động thành lập mới được 09 HTX với 134 thành viên, đồng thời tiến hành củng cố, giải thể 14 HTX với 1.456 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 43 HTX nông nghiệp với 20.103 thành viên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Cung cấp nước sinh hoạt nông thôn: 11 HTX chiếm 25,6%; kinh doanh tổng hợp: 03 HTX chiếm 7%; chăn nuôi gia súc, gia cầm: 02 HTX chiếm 4,7%; sản xuất và tiêu thụ rau: 08 HTX chiếm 18,6 %; sản xuất tiêu thụ lúa: 05 HTX chiếm 11,6 %; trái cây: 13 HTX chiếm 30,2%; thủy sản: 01 HTX chiếm 2,3 %.

Tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX nông nghiệp là 86.777 triệu đồng, doanh thu bình quân của một HTX là 3.199 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX: 2,5 triệu đồng/tháng; lợi nhuận bình quân của HTX là 133,4 triệu đồng/năm; trình độ quản lý phần lớn là trình độ sơ cấp chưa qua đào tạo chuyên môn hoặc chỉ qua các lớp ngắn hạn, chỉ có 21% cán bộ quản lý HTX có trình độ từ trung cấp trở lên; kết quả phân loại: 02 HTX xếp loại tốt (chiếm 4,7%), 15 HTX xếp loại khá (chiếm 34,9%), 09 HTX xếp loại trung bình (chiếm 20,9%), 10 HTX xếp loại yếu kém (chiếm 23,3%) và 07 HTX thành lập mới trong năm 2016 và năm 2017 (chiếm 16,3%), có 40/43 HTX nông nghiệp cơ bản chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 03 HTX chưa chuyển đổi, hiện đang ngưng hoạt động.

Thực trạng hoạt động các hợp tác xã lúa gạo, trái cây và thủy sản: có 05 HTX sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với 3.849 thành viên và 01 HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây (trong đó có sản xuất lúa) với 1.103 thành viên, 11 hợp tác xã trái cây với 839 thành viên và 01 HTX thủy sản hoạt động chủ yếu là nuôi nghêu và sò huyết với 1.044 thành viên. Đánh giá thực trạng so với tiêu chí lựa chọn hợp tác xã tham gia thí điểm: Về mức vốn góp tối thiểu thành viên bình quân 1,3 - 1,8 triệu đồng, chưa đạt theo yêu cầu tiêu chí trên 02 triệu đồng/ thành viên; về vốn chủ sở hữu của các HTX bình quân 2,3 tỷ đồng, đạt theo yêu cầu tiêu chí trên 300 triệu đồng; về tín dụng nội bộ chỉ có 01 HTX kinh doanh tổng hợp Bình Tây có thực hiện; về liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp: các Hợp tác xã lúa gạo có liên kết tiêu thụ theo cánh đồng lớn với các doanh nghiệp như Công ty Lương thực Tiền Giang, Việt Hưng, Tân Thành, các Hợp tác xã trái cây như Hòa Lộc, Thanh long Mỹ Tịnh An có ký hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Úc, Mỹ; HTX sầu riêng Ngũ Hiệp, Nông nghiệp Quyết Thắng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; ngoài ra các HTX còn thực hiện các dịch vụ khác cho thành viên như cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ gặt đập, sấy, trữ.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Mặt đạt được

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, các cấp trong chỉ đạo thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã từng bước khắc phục được những yếu kém và củng cố một bước trong tổ chức, quản lý và hoạt động như: Củng cố bộ máy tổ chức, kết nạp thêm thành viên, huy động thêm vốn góp, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu các mặt của thành viên, tạo tiền đề cho quá trình củng cố, đổi mới, phát triển hợp tác xã những năm tiếp theo;

Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các hợp tác xã được hỗ trợ để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tham gia mô hình cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống thành viên.

2. Hạn chế

Năng lực tổ chức hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp không đồng đều, quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn, cơ sở, trang thiết bị vật chất phục vụ sản xuất còn hạn chế, trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tính liên doanh - liên kết, quản lý sản xuất, dịch vụ, kinh doanh còn yếu;

Về tổ chức lại hoạt động theo đúng nguyên tắc và các quy định hướng dẫn Luật HTX năm 2012 còn chậm và mang tính hình thức; phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp còn lúng túng trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng các dịch vụ để định hướng hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên;

Việc phối hợp trong quản lý và hướng dẫn các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chưa thống nhất rõ ràng, còn chồng chéo trong chỉ đạo và hướng dẫn.

Để khắc phục những tồn tại trong nền kinh tế hàng hóa và bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX là một nhu cầu tất yếu khách quan, việc xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm điểm tổ chức nhân rộng, liên hiệp hợp tác xã tỉnh, liên vùng để liên kết, hợp tác phát triển bền vững là hết sức cần thiết.

Phần 2

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM HOÀN THIỆN, NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HTX KIỂU MỚI NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cụ thể hóa nội dung Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu xây dựng được các mô hình Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã kiểu mới gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản giúp sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã được bền vững và có khả năng nhân rộng trong các lĩnh vực lúa gạo, trái cây.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2017 - 2018:

Tập trung thí điểm hoàn thiện 10 mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực lúa gạo và trái cây đã lựa chọn để nâng cao năng lực bộ máy, đội ngũ cán bộ, hoạt động sản xuất, kinh doanh hình thành được mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản;

Tuyên truyền thành lập mới 20 HTX nông nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản, tập trung tại các xã nằm trong lộ trình ra mắt nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020;

[...]