Kế hoạch 1134/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1134/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2017
Ngày có hiệu lực 24/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Huỳnh Nữ Thu Hà
Lĩnh vực Bảo hiểm

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1134/KH-UBND

Gia Lai, ngày 24 tháng 03 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34/CT-TTG NGÀY 26/12/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC NHÓM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

UBND tỉnh Gia Lai xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh nhằm tổ chức thực hiện tốt pháp luật, chính sách, chế độ BHXH, tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, quản lý, sử dụng Quỹ BHXH, đảm bảo an toàn, hiệu quả; đồng thời, làm căn cứ để các các địa phương, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình thực hiện ở đơn vị, địa phương phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tạo bước chuyển mới về ý thức trách nhiệm, tự giác tham gia BHXH của chủ sử dụng lao động và người lao động trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân.

2. Yêu cầu

- Quán triệt và xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình phát triển đối tượng tham gia BHXH để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

- Có sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể với cơ quan BHXH trên địa bàn để triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện tốt các chính sách, chế độ về BHXH; phát triển nhanh đối tượng tham gia BHXH để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu thực hiện BHXH cho mọi người lao động; góp phần thực hiện quản lý, sử dụng Quỹ BHXH an toàn và hiệu quả cao; xây dựng hệ thống BHXH ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện các chế độ, chính sách BHXH cho người lao động trên địa bàn.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Phấn đấu có khoảng 15% lực lượng lao động tham gia BHXH (Có Phụ lục giao chỉ tiêu tham gia BHXH cho các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2017-2020 đính kèm Kế hoạch này).

- Phấn đấu có khoảng 11% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (Có Phụ lục giao chỉ tiêu tham gia BHTN giai đoạn 2017-2020 cho các huyện, thị xã, thành phố đính kèm Kế hoạch này).

- Thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người tham gia và thụ hưởng BHXH; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tham gia BHXH.

- Quỹ BHXH phải được sử dụng đúng quy định, đúng mục đích, an toàn và đảm bảo kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH

- Các cấp, các ngành có trách nhiệm chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân về chính sách, pháp luật BHXH, nhằm làm cho mọi người hiểu được BHXH là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân;

- Đổi mới nội dung thông tin tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, xem đây là biện pháp cơ bản, trọng tâm để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH và quyền, nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia và thực hiện Luật BHXH;

- Tăng cường phối hợp giữa cơ quan BHXH với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia BITXH; kịp thời phát hiện và biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách BHXH; đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH;

- Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục mở các chuyên mục để tuyên truyền nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; về vai trò, ý nghĩa của BHXH trong hệ thống an sinh xã hội; đề cao nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia loại hình BHXH; phát hiện những bất cập hoặc yếu kém của chính sách; giới thiệu, động viên các đơn vị, cá nhân; phê phán những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức để thực hiện tốt chính sách BHXH.

2. Tăng cường phát triển đối tượng BHXH, thu đúng, kịp thời, chống thất thu, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các biện pháp phát triển đối tượng, khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh;

- Nắm cụ thể số lao động đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và lao động trong khu vực phi chính thức trên địa bàn để tuyên truyền và có biện pháp cụ thể vận động cho từng nhóm đối tượng tham gia BHXH;

- Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo lộ trình đảm bảo hoàn thành mục tiêu từ nay đến 2020, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện;

[...]