ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 113/KH-UBND
|
Hậu Giang, ngày
03 tháng 6 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRỒNG CÂY XANH PHÂN TÁN VÀ TRỒNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
GIAI ĐOẠN 2021-2025
Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg
ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng
cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ năm 2021; Quyết định
số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng,
giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông, lâm nghiệp; Quyết định số
524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề
án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”; Công văn số 50/BNN-TCLN ngày 06
tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện
Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công
tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND
ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang thông qua Đề án
Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang
ban hành Kế hoạch Trồng cây xanh phân tán và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Hậu
Giang giai đoạn 2021-2025, như sau:
I. Mục đích,
yêu cầu
1. Mục đích
- Duy trì ổn định độ che phủ của
rừng và cây phân tán đến năm 2025 đạt 3%, diện tích rừng chiếm 1,61% so với diện
tích tự nhiên của toàn tỉnh, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,
hạn chế xói mòn đất, bồi lắng sông rạch, tạo cảnh quan môi trường phù hợp với
khí hậu, đất đai, quy hoạch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, giá
trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây xanh, trồng rừng, lợi ích của bảo vệ rừng,
bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện môi trường tự nhiên, giảm nhẹ thiên tai,
ứng phó biến đổi khí hậu.
- Thực hiện có hiệu quả Đề án
“Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg
ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Hình thành hệ thống cây xanh
tạo bóng mát, cảnh quan môi trường văn minh, hiện đại tại các khuôn viên công sở,
cơ quan, xí nghiệp, trường học, đường nội thị và đường giao thông nông thôn trên
địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
- Kêu gọi cộng đồng, Nhân dân ủng
hộ các nguồn lực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, cây trồng
phân tán và cây rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Tuyên truyền, vận động, tạo
điều kiện để các tổ chức (cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang, các đoàn thể,…)
và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng nhằm từng bước nâng cao môi
trường sống của nhân dân
- Việc tổ chức trồng cây xanh
phân tán và trồng rừng phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức.
- Kịp thời biểu dương, khen thưởng
tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đóng góp, thực hiện trồng cây;
rút kinh nghiệm thực tiễn để điều chỉnh Kế hoạch phù hợp theo từng thời điểm, kịp
thời nhân rộng các mô hình xã hội hóa trồng cây xanh phân tán và trồng rừng có
hiệu quả.
II. Nội dung
thực hiện
1. Hiện trạng
cây xanh tại các tuyến giao thông đường bộ và cây phân tán trên toàn tỉnh
- Đối với trồng cây xanh tại
các tuyến giao thông đường bộ: Theo đánh giá hiện trạng tại Đề án Hậu Giang
xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tuyến quốc lộ đi qua địa phận tỉnh
Hậu Giang và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đã được trồng cây xanh dọc
toàn bộ tuyến đường, chỉ còn 1,94 Km tại tỉnh lộ 925 và 929 chưa có cây xanh
ven đường; dọc các tuyến đường trong nội ô đô thị được trồng cây xanh đạt 78,3%
so với tổng chiều dài tuyến đường, đối với tuyến ngoại ô đô thị và nông thôn có
hàng rào bằng cây xanh, trồng cây xanh đạt 76,3% so với tổng chiều dài tuyến đường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số xã ở các huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ cây xanh
dưới 70% dọc các tuyến đường ngoại ô đô thị và nông thôn. Mặt khác, trong các
tiêu chí về nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí về cảnh quan nơi ở xanh - sạch
- đẹp là 95%. Do đó việc tăng cường, nâng cao tỷ lệ hàng rào cây xanh, cây xanh
bóng mát ven các tuyến đường là rất cần thiết, nhất là các tuyến đường nông
thôn, tiến tới góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
- Đối với cây trồng phân tán:
Theo số liệu thống kê được xác nhận từ các ngành chức năng và đã được ngành Thống
kế tỉnh xác nhận, tổng số cây lâm nghiệp trồng phân tán trên địa bàn toàn tỉnh
tính đến cuối năm 2020 là 11.777.861 cây. Trong đó, cây lâm nghiệp là 7.008.906
cây (dưới 03 năm tuổi là 3.555.580 cây, từ 03 năm tuổi trở lên là 3.453.326
cây); cây lâm nghiệp khác là 1.984.991 cây; cây thuộc họ Tre, trúc là 2.783.964
cây. Tính đến tháng 12 năm 2020, tỷ lệ che phủ cây trồng phân tán đạt khoảng
2,1% so với diện tích tự nhiên.
2. Kế hoạch
thực hiện giai đoạn 2021-2025
Căn cứ vào hiện trạng cây xanh
tại các tuyến giao thông đường bộ và cây trồng phân tán toàn tỉnh trong giai đoạn
qua, UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cụ thể:
Tổng khối lượng thực hiện giai
đoạn 2021-2025: Trồng cây phân tán 8.400.000 cây các loại (trong đó trồng cây
xanh đô thị 200.000 cây, trồng cây lâm nghiệp phân tán 8.200.000 cây (tương
đương 710 ha) và trồng rừng tập trung 220 ha), phân theo từng đơn vị thực hiện
như sau:
2.1. Thành phố Vị Thanh
- Địa điểm trồng cây xanh, cây
phân tán: Tại các tuyến đường phố, lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường
học, khu dân cư, hộ gia đình, các tuyến kênh ven sông, rạch chống sạt lở… trên
địa bàn thành phố Vị Thanh.
- Số lượng cây: 513.000 cây
(trong đó: cây xanh đô thị 13.000 cây; trồng cây phân tán 500.000 cây).
2.2. Huyện Vị Thủy
- Địa điểm trồng cây xanh, cây
phân tán: Tại các tuyến đường lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường học,
khu dân cư, hộ gia đình, các tuyến kênh ven sông, rạch chống sạt lở … trên địa
bàn huyện Vị Thủy.
- Số lượng cây: 230.000 cây
(trong đó: cây xanh đô thị 50.000 cây; trồng cây phân tán 180.000 cây).
2.3. Huyện Long Mỹ
- Địa điểm trồng cây xanh, cây
phân tán: Tại các tuyến đường lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường học,
khu dân cư, hộ gia đình, các tuyến kênh ven sông, rạch chống sạt lở … trên địa
bàn huyện Long Mỹ.
- Số lượng cây: 3.522.500 cây
(trong đó: cây xanh đô thị 22.500 cây; trồng cây phân tán 3.500.000 cây).
2.4. Thị xã Long Mỹ
- Địa điểm trồng cây xanh, cây
phân tán: Tại các tuyến đường lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường học,
khu dân cư, hộ gia đình, các tuyến kênh ven sông, rạch chống sạt lở … trên địa
bàn thị xã Long Mỹ.
- Số lượng cây: 1.021.000 cây
(trong đó: cây xanh đô thị 21.000 cây; trồng cây phân tán 1.000.000 cây).
2.5. Huyện Phụng Hiệp
- Trồng cây xanh:
+ Địa điểm trồng cây xanh, cây
phân tán: Tại các tuyến đường lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường học,
khu dân cư, hộ gia đình, các tuyến ven sông, rạch chống sạt lở … trên địa bàn
huyện.
+ Số lượng cây: 2.526.000 cây
(trong đó: Trồng cây xanh đô thị 26.000 cây; trồng cây phân tán 2.500.000 cây).
- Trồng rừng:
+ Địa điểm trồng: Trồng rừng đặc
dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; trồng rừng sản xuất tại Trung
tâm Nông nghiệp Mùa Xuân.
+ Diện tích: 220ha (trong đó:
150ha rừng sản xuất, 70ha rừng đặc dụng).
2.6. Huyện Châu Thành A
- Địa điểm trồng cây: Tại các
tuyến đường lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư, hộ
gia đình, khu công nghiệp, các tuyến ven sông, rạch chống sạt lở … trên địa bàn
huyện.
- Số lượng cây: 140.000 cây
(trong đó: Trồng cây xanh đô thị 20.000 cây; trồng cây phân tán 120.000 cây).
2.7. Huyện Châu Thành
- Địa điểm trồng cây: Tại các
tuyến đường lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư, hộ
gia đình, khu công nghiệp, các tuyến ven sông, rạch chống sạt lở … trên địa bàn
huyện.
- Số lượng cây: 225.000 cây
(trong đó: Trồng cây xanh đô thị 25.000 cây; trồng cây phân tán 200.000 cây).
2.8. Thành phố Ngã Bảy
- Địa điểm trồng cây: Tại các
tuyến đường lộ giao thông nông thôn, trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư, hộ
gia đình, các tuyến ven sông, rạch chống sạt lở … trên địa bàn thành phố.
- Số lượng cây: 322.500 cây
(trong đó: cây xanh đô thị 22.500 cây; trồng cây phân tán 300.000 cây).
(Đính
kèm Phụ lục 01, 02, 03)
III. Giải
pháp thực hiện
1. Rà
soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch
- UBND huyện, thị xã, thành phố
tổ chức rà soát, xác định quỹ đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư,
công sở, đường giao thông, đất trồng cây xanh các tuyến lộ giao thông nông
thôn,…; xây dựng kế hoạch cụ thể trồng cây xanh nội ô đô thị, ngoại ô đô thị,
các tuyến giao thông nông thôn hàng năm trong giai đoạn 2021-2025.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tổ chức rà soát, xác định quỹ đất xây dựng kế hoạch trồng cây lâm
nghiệp phân tán, trồng rừng hàng năm trong giai đoạn 2021-2025.
- Xây dựng kế hoạch thay đổi
theo phân kỳ hàng năm, phụ thuộc vào điều kiện thực tế tại địa phương và nguồn
lực về vốn, đảm bảo khối lượng thực hiện theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
2. Loài
cây trồng và quy cách kỹ thuật
Căn cứ kế hoạch, UBND huyện, thị
xã, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch
chủ động nguồn giống, đảm bảo số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn cây trồng phù hợp
điều kiện lập địa từng địa phương, ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn, cây
đa tác dụng,… để trồng rừng, trồng cây phân tán. Danh mục loài cây trồng được
quy định theo Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định danh mục các
loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu
giống cây trồng lâm nghiệp chính, cụ thể loài cây trồng như sau:
- Cây xanh trồng nội ô đô thị,
ngoại ô đô thị, lộ giao thông nông thôn: Sao đen, Dầu rái, Phượng vĩ, Bằng
lăng…
- Cây lâm nghiệp trồng phân
tán: Tràm bông vàng, Tràm cừ, Tràm úc.
- Cây trồng rừng: Tràm cừ, Tràm
úc, Tràm bông vàng.
(Đính
kèm Phụ lục 04)
3. Về huy động
nguồn lực
Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND huyện, thị
xã, thành phố tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, đa dạng hóa nguồn vốn
triển khai thực hiện kế hoạch trồng cây, trong đó:
- Vận động, kêu gọi ủng hộ của
các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng đóng góp nguồn lực để thực hiện kế hoạch.
- Lồng ghép, sử dụng hiệu quả
các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn vốn từ các chương
trình, đề án, dự án để thực hiện kế hoạch.
- Huy động nguồn lực về lao động,
tình nguyện viên tham gia các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng, hộ gia đình, cá
nhân, tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng hiệu quả.
4. Về công
tác tuyên truyền
Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND huyện, thị
xã, thành phối hợp xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự
chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc
trồng cây xanh đô thị, trồng rừng và trồng phân tán; công tác bảo vệ và phát
triển rừng; vai trò quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng đối với phát triển
kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời
đời nhớ ơn Bác Hồ”, nâng cao chỉ tiêu trồng cây phân tán hàng năm.
IV. Kinh phí
thực hiện
- Dự trù tổng kinh phí thực hiện
kế hoạch: 27.060.000.000 đồng, trong đó:
Trồng cây xanh đô thị:
18.880.000.000 đồng; Trồng cây lâm nghiệp phân tán: 5.330.000.000 đồng; Trồng rừng:
2.850.000.000 đồng, trong đó: Trồng rừng đặc dụng: 2.100.000.000 đồng, Trồng rừng
sản xuất: 750.000.000 đồng.
- Nguồn kinh phí: Nguồn vốn
ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đề án
và vận động nguồn xã hội hóa.
(Đính
kèm Phụ lục 05)
V. Tổ chức
thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với các sở,
ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ
chức triển khai thực hiện Kế hoạch; Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ngành,
địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm.
- Tranh thủ kịp thời và tối đa
các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương; lồng ghép các cơ chế, chính sách để
thực hiện kịp thời và hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
- Hàng năm phối hợp với Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện, thị xã,
thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch trồng cây phân tán, trồng
rừng, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hỗ
trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương về cây giống, kỹ thuật trồng
cây, chăm sóc, bảo vệ … để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Phối hợp với
các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tốt công tác trồng cây phân tán, trồng
rừng trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Kế hoạch, hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Xây dựng
- Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát UBND cấp huyện thực hiện tốt việc quản lý và phát triển cây
xanh đô thị theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm
2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp
huyện, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc quy hoạch xây dựng, trong đó bảo đảm
không gian quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất cho phát triển cây xanh sử
dụng công cộng theo các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN
01:2019/BXD; TCVN 9257:2012) và các quy định hiện hành.
3. Sở Giao thông vận tải
phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành
Kế hoạch Giao thông nông thôn, Thủy lợi và Bảo vệ môi trường nông thôn hàng năm
theo chỉ đạo; hướng dẫn các địa phương thực hiện các dự án phát triển giao
thông gắn với trồng cây xanh; bảo đảm 100% các tuyến đường giao thông đô thị và
nông thôn được trồng cây xanh bóng mát, tạo cảnh quan theo các tiêu chuẩn, quy
định hiện hành.
4. Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì, phối hợp các địa phương trong công tác trong công tác lập, thẩm
định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo chỉ tiêu diện tích đất
rừng, bảo đảm ổn định, lâu dài, đúng mục đích; dành quỹ đất cho phát triển cây
xanh, bảo đảm các tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy
định.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với các Sở, ngành có
liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ
trợ đầu tư các chương trình, dự án trồng cây phân tán, trồng rừng trên địa bàn
tỉnh.
- Tham mưu UBND tỉnh thẩm định
các chương trình, dự án có liên quan; cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm để thực
hiện kế hoạch trồng cây phân tán, trồng rừng trong giai đoạn 2021 - 2025.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
6. Sở Tài chính căn cứ
vào chức năng, nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách hàng năm phối hợp với các
cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch đúng theo quy định.
7. Sở, ban, ngành tỉnh
căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng tổ chức xây dựng Kế hoạch và triển khai thực
hiện tốt công tác trồng cây xanh trong phạm vi quản lý.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Đoàn thể tỉnh
- Phát huy mạnh mẽ vai trò,
trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động thành viên tổ
chức tham gia trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh.
- Tăng cường giáo dục nâng cao
nhận thức về mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của việc trồng và bảo vệ rừng,
cây xanh; động viên, khuyến khích, kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng,
tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.
- Triển khai các hoạt động tình
nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
9. Đài Phát thanh và
Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường
công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng
đóng góp nguồn lực để thực hiện Kế hoạch Trồng cây xanh phân tán và trồng rừng
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.
10. Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố
- Trên cơ sở Kế hoạch này, phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan xây dựng
Kế hoạch trồng cây xanh hàng năm và tổ chức thực hiện trồng cây theo Kế hoạch.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể các ban,
ngành, đoàn thể phát động nhân dân trồng cây với tiêu chí xây dựng nông thôn mới
tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây hàng năm, trồng cây
nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, nhân dịp tổ chức các sự kiện nổi bật của
địa phương.
- Chỉ đạo thực hiện tốt công
tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng,
giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng,
bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi
khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia
trồng cây, trồng rừng.
- Về loài cây trồng các địa
phương, đơn vị có thể điều chỉnh phù hợp với điều kiện lập địa, không được trồng
các loại cây ngoại lai không được phép trồng, ưu tiên trồng các loài cây bản địa,
cây gỗ lớn.
- Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố xây dựng kế hoạch trồng cây và báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch
hàng năm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch Trồng cây
xanh phân tán và trồng rừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền,
đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp,
báo cáo kịp thời UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT;
- TT: TU,HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các Đoàn thể tỉnh;
- Sở ban, ngành tỉnh;
- Báo HG; Đài PT-TH tỉnh;
- UBND huyện, TX, TP;
- Lưu: VT.
11L4 KH Trong cay
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Cảnh Tuyên
|