Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 111/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2018

Số hiệu 111/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2018
Ngày có hiệu lực 11/01/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Mai Hùng Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/KH-UBND

Bình Dương, ngày 11 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2018

Chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (bao gồm bệnh Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả trên gia súc và Cúm gia cầm) trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2018 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Tập trung sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Chủ động phát hiện sớm và không để lây lan dịch bệnh, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe con người.

Đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Khống chế dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các bệnh Lở mồm long móng trâu, bò, heo và Dịch tả heo; Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà.

2. Yêu cầu

Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.

Nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả heo và Cúm gia cầm.

Chủ động giám sát tình hình dịch bệnh và kiểm soát, xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.

II. Giải pháp thực hiện

1. Về tổ chức, chỉ đạo điều hành; thanh tra, kiểm tra

Ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Bố trí, quản lý kinh phí phòng chống dịch bệnh động vật kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Tổ chức, chỉ đạo trực phòng chống dịch bệnh động vật thường xuyên và bố trí nguồn lực sẵn sàng tham gia chống dịch khi xảy ra; đặc biệt là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp tập trung thanh kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm có hiệu quả theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Kịp thời thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật khi dịch bệnh được công bố. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí và chế độ làm việc của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật thực hiện theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Về thông tin, tuyên truyền

Thường xuyên thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả heo và Cúm gia cầm thông qua các phương tiện truyền thông và tổ chức đoàn thể. Thông tin, tuyên truyền qua các hình thức khác như tờ rơi, băng rôn tuyên truyền.

Xây dựng các chương trình gặp gỡ, trao đổi giữa Cơ quan quản lý nhà nước với người chăn nuôi để giải đáp các nội dung có liên quan đến phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và chăn nuôi an toàn sinh học.

Tập huấn cho công chức, viên chức, nhân viên thú y cơ sở trong ngành thú y các cấp và người chăn nuôi về: chuyên môn, nghiệp vụ, chủ trương, chính sách, quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp trên và của Nhà nước.

3. Về giải pháp kỹ thuật

3.1. Tiêm phòng vắc xin

Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xây dựng kế hoạch và tổ chức, hướng dẫn tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả heo và Cúm gia cầm cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

- Thực hiện chính sách tiêm phòng miễn phí cho các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 14/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương (đối với bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo thực hiện miễn phí vắc xin; đối với bệnh cúm gia cầm thực hiện miễn phí vắc xin và công tiêm phòng).

- Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô ngoài tiêu chí nêu trên tự tổ chức tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Tần suất tiêm phòng là 02 đợt/năm, khoảng thời gian giữa các đợt tiêm phòng chính thực hiện tiêm phòng bổ sung.

[...]