Kế hoạch 11092/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định 866/QĐ-TTg

Số hiệu 11092/KH-UBND
Ngày ban hành 03/10/2024
Ngày có hiệu lực 03/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Trần Hòa Nam
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11092/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 03 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG CÁC LOẠI KHOÁNG SẢN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 886/QĐ-TTG NGÀY 18/7/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Quyết định số 866/QĐ-TTg) và Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Quyết định số 333/QĐ-TTg).

Trên cơ sở báo cáo, tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4225/STNMT-KSNKTTVBĐKH ngày 05/9/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai phối hợp thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.

- Cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch.

- Phân công trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ban, ngành và địa phương, đặc biệt là việc giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

- Nghiên cứu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên như: Công trình an ninh quốc phòng, công trình hạ tầng, giao thông.... đặc biệt là các dự án đầu tư công, dự án huy động từ các nguồn lực xã hội, dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Thực hiện chặt chẽ công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể, nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg có hiệu quả và phù hợp với các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh

- Tổ chức thực hiện và nắm vững nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Xác định các nguồn lực, giải pháp, tạo sự thống nhất, đồng thuận của các cấp, ngành và địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện và xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên.

- Quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường bền vững gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn; ngăn chặn các hoạt động khai thác, xuất khẩu khoáng sản trái phép. Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản bảo đảm tính khả thi, hiệu quả;

II. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC

1. Giải pháp thực hiện:

Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch, cụ thể như sau:

- Tiếp tục phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật của nhà nước về khoáng sản khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản.

- Phối hợp hoàn thiện, bổ sung các chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các dự án thăm dò, khai thác gắn với các dự án chế biến khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác tuân thủ chính sách pháp luật về khoáng sản và môi trường, đảm bảo an toàn lao động.

- Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện chủ trương cấu trúc lại doanh nghiệp.

- Có chính sách hợp lý đối với người dân bị thu hồi đất ở, đất sản xuất nơi có hoạt động khoáng sản, chế biến khoáng sản.

- Sớm xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên khoáng sản, chia sẻ thông tin phục vụ cho công tác quy hoạch và quản trị tài nguyên.

- Tăng cường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản, cung cấp thông tin về tình hình khai thác, chế biến sau cấp phép.

- Việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ được xác định là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các dự án nhà máy chế biến sâu khoáng sản đã xác định trong quy hoạch khoáng sản được duyệt thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành để khuyến khích, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, tuyển và chế biến khoáng sản nhằm tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, công khai quy hoạch các loại khoáng sản.

- Nâng cao nhận thức vai trò, pháp luật về khoáng sản; tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; công khai, minh bạch các khoản thu và sử dụng nguồn thu của các doanh nghiệp khoáng sản.

- Hợp tác đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có yêu cầu công nghệ cao và thiết bị tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường và có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hạn chế việc hợp tác, liên doanh, liên kết, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đối với dự án khai thác mỏ và tuyển khoáng sản.

[...]