Quyết định 866/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 866/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/07/2023
Ngày có hiệu lực 18/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 866/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG CÁC LOẠI KHOÁNG SẢN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội khóa 15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 3065/TTr-BCT ngày 19 tháng 5 năm 2023; Báo cáo thẩm định số 26/BC-HĐTĐQHKS ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính sau:

A. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi và ranh giới quy hoạch: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trừ các loại khoáng sản dầu khí, than đá, than bùn, quặng phóng xạ (urani, thori, ...) khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Ranh giới quy hoạch là khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản trên diện tích đất liền của cả nước.

B. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

I. QUAN ĐIỂM

1. Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và tương thích với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương và hài hòa với yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đời sống của người dân.

2. Khoáng sản là tài nguyên hữu hạn; việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở thăm dò, đánh giá tổng thể các yếu tố về trữ lượng, tài nguyên và chất lượng các loại khoáng sản, năng lực khai thác, chế biến và nhu cầu sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và yêu cầu về nguồn khoáng sản dự trữ quốc gia.

3. Quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch các loại khoáng sản; khuyến khích các thành phần kinh tế có kinh nghiệm và năng lực về chế biến, khai thác khoáng sản để đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; cân đối hợp lý, hiệu quả giữa xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản, ưu tiên đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.

4. Phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

5. Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

6. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

a) Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

[...]