Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 11/KH-UBND năm 2020 hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 11/KH-UBND
Ngày ban hành 04/02/2020
Ngày có hiệu lực 04/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Phùng Hoan
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/KH-UBND

Nam Định, ngày 04 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, UBND tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt, tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng đồ nhựa và túi ni lông khó phân huỷ, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ con người và hệ sinh thái.

- Tăng cường quản lý tổng hợp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông, chung tay bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Phát hiện, khuyến khích, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

- Các cấp, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong việc thực hiện kế hoạch nhằm đạt hiệu quả cao trong bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội; góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa nhằm giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển. Góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 08/9/2018 của UBND tỉnh Nam Định về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy).

b) Đến năm 2030

- Giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ không còn rác thải nhựa.

- Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại 4 cửa sông ven biển trên địa bàn tỉnh gồm: Cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) và cửa Hà Lạn (sông Sò).

III. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương

- Tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các văn bản của Trung ương và địa phương liên quan đến quản lý rác thải nhựa như: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014; Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo 2015; Văn bản hợp nhất số 32/VBHN-VPQH Luật Đa dạng sinh học năm 2018; Nghị quyết 36- NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân huỷ trong sinh hoạt đến năm 2020; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Văn bản số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”; Văn bản số 4907/BTNMT-TĐKTTT ngày 11/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông”; Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 12/4/2019 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 28- CTr/TU ngày 05/12/2018 của Tỉnh ủy Nam Định thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 08/9/2018 của UBND tỉnh về thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;... gắn với đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư về tác hại của chất thải nhựa, tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình điểm trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

- Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển.

- Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa và túi ni lông, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

2. Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển Quất Lâm, Thịnh Long, khu du lịch sinh thái biển Nghĩa Hưng một năm hai lần; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường.

- Huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, thống kê, phân loại rác thải nhựa đại dương và phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tỉnh.

[...]