Kế hoạch 11/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 11/KH-UBND
Ngày ban hành 14/01/2020
Ngày có hiệu lực 14/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Đặng Huy Hậu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 14 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2020

Căn cứ Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 02/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2020; Kế hoạch số 7819/KH-UBND ngày 30/11/2016 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CHỈ ĐẠO

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo “Hiệu quả, Toàn diện và Bền vững”, tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng nông thôn mới bền vững; tiếp tục đột phá, sáng tạo những cách làm và hướng đi mới.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 là cơ sở để các sở, ban, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động sự tham gia trực tiếp của người dân, khắc phục khó khăn để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu: Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo nguyên tắc tập trung cho cơ sở. Công tác tuyên truyền vận động phải bám sát vào mục tiêu kế hoạch đề ra huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra mang tính toàn diện và phát triển một cách bền vững. Quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành và các địa phương không được chủ quan, nóng vội; không huy động quá sức dân... nhưng phải vào cuộc quyết liệt, kiên trì; có kế hoạch, lộ trình, bước đi thích hợp và có trọng tâm, trọng điểm.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia của người nông dân là chủ yếu; đảm bảo lồng ghép nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng xây dựng xã nông thôn nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh bám sát theo chủ đề năm của tỉnh “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững”. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hướng mạnh việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

(1) Có thêm ít nhất 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số thành 89/981 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; phấn đấu bình quân các xã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu (tăng thêm 1,2 tiêu chí và 2,0 chỉ tiêu so với năm 2019)2; không còn xã dưới 15 tiêu chí; phấn đấu có thêm huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số thành 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

(2) 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới xây dựng nông thôn mới nâng cao; phấn đấu có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số thành 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi huyện (thị xã, thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới) có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

(3) Có ít nhất 60 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số thôn đạt chuẩn nông thôn mới thành 500 thôn.

(4) Duy trì, nâng chất tiêu chí các vườn đã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2019; phấn đấu có thêm 200 vườn đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số vườn đạt chuẩn thành 5.200 vườn.

(5) Thẩm định, công nhận phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; Công nhận/chứng nhận thêm từ 30-40 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 5 sao, trong đó ít nhất có 1- 2 sản phẩm đạt 5 sao tại cuộc thi đánh giá xếp hạng cấp tỉnh năm 2020.

(6) Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển 31 sản phẩm OCOP chủ lực cấp huyện; 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và 6 sản phẩm định hướng cấp quốc gia.

(7) Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 45 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1%3; Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,3%.

IV. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Thực hiện các nhóm tiêu chí nông thôn mới

Triển khai đồng bộ các tiêu chí huyện nông thôn mới; xã nông thôn mới kiểu mẫu (ở những xã có đủ điều kiện); xã nông thôn mới nâng cao; xã nông thôn mới; thôn đạt chuẩn nông thôn mới; vườn đạt chuẩn nông thôn mới; hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu tiêu chí và xây dựng kế hoạch cụ thể cho các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2020.

1.1. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới

- Các xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới đảm bảo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và tập quán sinh hoạt từng khu vực. Hoàn thành quy hoạch chi tiết đối với hệ thống thủy lợi quy hoạch chi tiết vùng sản xuất tập trung; bổ sung quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng xã và tổ chức thực hiện theo quy hoạch. Tiếp tục triển khai quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu; quy hoạch vườn đạt chuẩn nông thôn mới.

- Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phải đảm bảo dân chủ, công khai, lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên, nhân dân và của các cơ quan chuyên môn.

1.2. Phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội

- Tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới ở tất cả các xã. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông nông thôn; thủy lợi nội đồng; hệ thống công trình nước sinh hoạt...phấn đấu năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí điện, hệ thống thủy lợi, thông tin và truyền thông.

[...]