Kế hoạch 105/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 105/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2024
Ngày có hiệu lực 04/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Lê Quốc Anh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 04 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI MỘT SỐ NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGUỒN LỢI VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Căn cứ Quyết định số 2888/QĐ-BNN-TS ngày 19/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Căn cứ Quyết định số 1651/QĐ-UBND ngày 06/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh về phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái (Đề án) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; với những nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG NGHỀ KHAI THÁC THỦY SẢN

Tính đến ngày 01/01/2023, đội tàu khai thác hải sản của tỉnh Kiên Giang có 9.783 chiếc, trong đó tàu đánh bắt hải sản 9.326 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản 457 chiếc.

Cơ cấu đội tàu đánh bắt theo nhóm chiều dài: tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, hoạt động khai thác tại vùng khơi có 3.867 chiếc; tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 12 đến dưới 15 mét, hoạt động khai thác tại vùng lộng có 1.545 chiếc; tàu đánh bắt hải sản có chiều dài lớn nhất từ 06 đến dưới 12 mét, hoạt động khai thác tại vùng ven bờ có 4.371 chiếc.

Cơ cấu đội tàu đánh bắt theo nhóm nghề: nhóm nghề lưới kéo có 3.035 chiếc; trong đó, có 2.671 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 332 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 32 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ. Nhóm nghề lưới rê có 3.178 chiếc; trong đó, có 354 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 585 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 2.239 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ. Nhóm nghề lưới vây có 301chiếc; trong đó, có 269 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 26 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 15 chiếc hoạt động tại vùng ven bờ. Nhóm nghề câu có 1.643 chiếc; trong đó, có 78 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi, 284 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 1.281 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ. Nhóm nghề khác (kể cả lồng bẫy) có 1.160 chiếc; trong đó, có 64 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng khơi,300 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng lộng và 796 chiếc hoạt động đánh bắt tại vùng ven bờ.

Sản lượng khai thác thủy sản những năm gần đây có xu hướng giảm (sản lượng thủy sản khai thác năm 2022 được 520.929 tấn, năm 2023 được 437.199 tấn, kế hoạch năm 2024 khai thác 435.000 tấn) do cường lực đánh bắt chưa phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi; khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt là đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chuyển đổi một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường hệ sinh thái sang các nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển một số tàu cá có nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang lĩnh vực khác ngoài đánh bắt hải sản để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cải thiện môi trường làm việc và phấn đấu 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2025

- Cắt giảm tàu cá: chuyển đổi khoảng 107 chiếc làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt hải sản để giảm số lượng tàu đánh bắt hải sản còn không quá 9.219 chiếc vào cuối năm 2025, phù hợp với mục tiêu sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản của tỉnh, theo Quyết định số 1651/QĐ- UBND và mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo Kế hoạch số 209/KH-UBND của UBND tỉnh.

- Hoàn thành xây dựng và phê duyệt Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu cá bị cắt giảm và ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi nghề phù hợp với nghề mới; các dự án chuyển đổi nghề; trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân.

b) Giai đoạn từ năm 2026 – 2030

- Cắt giảm tàu cá: chuyển đổi khoảng 594 chiếc làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt hải sản để giảm số lượng tàu đánh bắt hải sản còn không quá 8.625 chiếc vào cuối năm 2030, phù hợp với mục tiêu phát triển ngành thủy sản theo Kế hoạch số 209/KH-UBND của UBND tỉnh.

- Chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản: chuyển đổi 120 chiếc hoạt động vùng khơi làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ và nghề đánh bắt ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang làm các nghề khai thác thủy sản khuyến khích phát triển.

- Tập huấn cho 3.364 ngư dân có tàu cá bị cắt giảm và ngư dân có tàu cá bị chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản.

III. NHIỆM VỤ

1. Truyền thông

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

a) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo nhân rộng các mô hình nghề cá giải trí; các mô hình chuyển đổi từ nghề lưới kéo, nghề rê thu ngừ sang các nghề khác đạt hiệu quả để người dân biết và tổ chức triển khai thực hiện.

b) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các kinh nghiệm tốt, các điển hình làm ăn giỏi, hướng dẫn các quy trình mới, đào tạo nghề, tuyên truyền về tác hại của việc khai thác hủy diệt và khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, thường xuyên tuyên truyền ngư dân không khai thác trong các vùng ngư trường thuộc quản lý của nước khác; tuyên truyền về tác hại của thiết bị đánh cá gây ô nhiễm rác nhựa trong đại dương.

[...]