Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 116/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2024
Ngày có hiệu lực 07/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 07 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI MỘT SỐ NGHỀ KHAI THÁC HẢI SẢN ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGUỒN LỢI VÀ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; Căn cứ Quyết định số 2888/QĐ-BNN-TS ngày 19/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch “Thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái”, cụ thể như sau:

I. HIỆN TRẠNG KHAI THÁC HẢI SẢN

Tỉnh Ninh Bình có chiều dài bờ biển 18,34 km, tính theo chiều dài đê Bình Minh 3. Kéo dài từ cửa sông Đáy, giáp với Nam Định, đến cửa sông Càn, giáp với Thanh Hóa, do nằm trong vùng bờ biển được bồi tụ hàng năm được che chắn bởi hòn Nẹ ở phía ngoài nên vùng nước nơi đây ít chịu ảnh hưởng của sóng gió. Vùng biển Ninh Bình được đánh giá là vùng tập trung đa dạng sinh học cao với nhiều họ cá kinh tế như cá đù, cá tráp, cá đối, cá vược, cá mòi...là nơi bãi đẻ, bãi giống của nhiều loài hải sản trong khu vực có độ sâu khoảng 15 m nước.

Hiện nay, Tỉnh Ninh Bình có 68 tàu cá hoạt động trên biển. Trong đó: 35 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét hoạt động vùng ven bờ (chiếm 51,4 %); 25 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động vùng lộng (chiếm 36,8%); 08 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi (chiếm 11,8%). Sản lượng khai thác hải sản năm 2022 ước đạt 2.324,1 tấn đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho ngư dân khai thác, nghề khai thác cụ thể:

- Nghề lưới kéo: 33 tàu cá (chiếm 49,2%), trong đó: 16 tàu hoạt động vùng biển ven bờ; 13 tàu hoạt động vùng lộng, 04 tàu hoạt động vùng khơi.

- Nghề lưới rê: 15 tàu (chiếm 20,9%), trong đó: 04 tàu hoạt động vùng khơi (tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ); 01 tàu hoạt động vùng lộng và 10 tàu hoạt động vùng biển ven bờ.

- Nghề lồng bẫy, nghề khác: 20 tàu (chiếm 29,9%): 11 tàu hoạt động vùng lộng, 09 tàu làm nghề khác hoạt động vùng biển ven bờ.

Từ hiện trạng trên cho thấy đội tàu khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh hoạt động vùng ven bờ chiếm số lượng lớn; cơ cấu nghề lưới kéo, lồng bẫy chiếm tỷ lệ cao đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sinh thái; cần phải chuyển đổi sang nghề khác để đảm bảo khai thác hợp lý, cân bằng với trữ lượng và khả năng cho phép khai thác nguồn lợi hải sản; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, ổn định thu nhập ngư dân.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023; Quyết định số 2888/QĐ-BNN-TS ngày 19/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan; Đảm bảo chủ động trong triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm theo lộ trình để đạt được mục tiêu đề ra.

3. Kịp thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của của Kế hoạch vào các chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động có liên quan tại các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch.

4. Đến năm 2030, chuyển đổi nghề cho 20 tàu cá khai thác ven bờ (nghề lưới kéo và nghề lồng bẫy) sang nghề nuôi trồng thuỷ sản và các nghề khác và cải hoán nâng cấp 10 tàu cá (từ 6-12m thành 12-15m).

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Phân giao nhiệm vụ, dự án ưu tiên và các nội dung cần thực hiện tại Phụ lục gửi kèm theo.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí triển khai Kế hoạch bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác:

- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; có lồng ghép các chương trình, dự án nhằm đầu tư, phát triển khai thác thuỷ sản hiệu quả, bền vững.

- Nguồn kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện.

- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

- Chủ trì, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

[...]