Kế hoạch 1039/KH-UBND năm 2023 triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 1039/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1039/KH-UBND

Nghệ An, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2024, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Kế hoạch số 689/KH-UBATGTQG ngày 19/12/2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về triển khai Năm an toàn giao thông 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2024 (sau đây viết tắt là TTATGT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao vai trò trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, người phụ trách công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân.

2. Phấn đấu kìm giữ và giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2023.

3. Phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị.

II. YÊU CẦU

1. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác bảo đảm TTATGT, việc triển khai thực hiện phải nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn tỉnh từ cấp cơ sở xã, phường đến cấp huyện và cấp tỉnh, triển khai ngay từ tháng đầu năm 2024.

2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có lãnh đạo là thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh phải xây dựng kế hoạch hoạt động đảm bảo an toàn giao thông và bố trí ngân sách phù hợp chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, tránh hình thức. Tập trung các nguồn lực xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông.

3. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tuyệt đối tuân thủ pháp luật về TTATGT, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông cấp huyện, tập trung thực hiện tốt 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 23/5/2023 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1763-CV/TU ngày 08/3/2023 của Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 205-KH/TU ngày 04/10/2023 của Tỉnh ủy về triển khai Chỉ thị 23-CT/TW ngày 23/5/2023 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/01/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số biện pháp tăng cường, giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022- 2025; Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 27/5/2022 về triển khai Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 -2025; Kế hoạch 328/KH-UBND ngày 16/5/2023 triển khai Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ...

2. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT đảm bảo phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi và vùng miền nhất là lao động tự do, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo nghiêm minh, kịp thời và hiệu quả, trọng tâm là xử lý các vi phạm là nguyên nhân xẩy ra tai nạn giao thông và các vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông.

4. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm đảm bảo chất lượng hiệu quả; rà soát để điều chỉnh, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa.

5. Tập trung chỉ đạo triển khai công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị theo Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/01/2022 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025.

6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đặc biệt là bằng xe buýt, vận tải khách liên tỉnh, xe cứu thương. Rà soát, điều chỉnh tần suất, lộ trình, điểm dừng đỗ xe buýt đảm bảo khoa học, hợp lý, phục vụ nhu cầu của nhân dân và đảm bảo trật tự, an toàn trong lĩnh vực vận tải.

7. Chỉ đạo siết chặt quản lý về công tác đăng ký, đăng kiểm, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo thuận tiện phục vụ tốt cho Nhân dân; kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện hoán cải, thay đổi kết cấu kích thước của xe để vi phạm trong việc chở hàng quá tải trọng; kiên quyết xử lý các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe vi phạm quy định về quản lý.

8. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số trọng tâm công tác được phân công cụ thể tại.

(Phụ lục nhiệm vụ kèm theo)

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ dự toán chi ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị và địa phương theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác.

2. Căn cứ nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị xây dựng dự toán chi thực hiện Kế hoạch trên, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm, gửi cơ quan Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

[...]