Kế hoạch hành động 1034/KH-UBND năm 2022 về đa dạng sinh học tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 1034/KH-UBND
Ngày ban hành 14/04/2022
Ngày có hiệu lực 14/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Ngọc Sâm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1034/KH-UBND

Kon Tum, ngày 14 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (Sau đây gọi là Quyết định số 149/QĐ-TTg).

- Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.

2. Yêu cầu:

- Nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thường xuyên phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học trên phương tiện truyền thông; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của các tổ chức, cá nhân; quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương về bảo tồn đa dạng sinh học; đưa tiêu chí bảo tồn đa dạng sinh học vào tiêu chí bảo vệ môi trường.

- Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn liền với bảo tồn văn hóa và tri thức bản địa; huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; khuyến khích đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho đa dạng sinh học; Tăng cường nguồn lực, ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm:

- Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển kinh tế xanh - nền tảng để bảo đảm phát triển bền vững đất nước; bảo tồn đa dạng sinh học là mộ t trong các giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

- Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học. Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Tăng cường bảo vệ, phục hồi và đảm bảo tính toàn vẹn, kết nối các hệ sinh thái tự nhiên hiện có trên địa bàn tỉnh.

- Đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm được 15.000 ha rừng; nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh lên 64,0% góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI.

- Tổ chức thực hiện việc bảo tồn quần thể Chà vá chân xám được tổ chức FFI (Fauna & Flora International) ghi nhận và phát hiện tại huyện Kon Plông; bảo tồn và lưu giữ nguồn gen sâm Ngọc Linh và cây dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh; bảo tồn các loài hoang dã tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Giá trị của đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái được đánh giá, duy trì và nâng cao thông qua việc sử dụng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học; giải pháp dựa vào thiên nhiên được triển khai, áp dụng trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiếp cận và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

c) Mục tiêu đến năm 2050:

Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm trên địa bàn tỉnh được phục hồi, bảo tồn thực sự có hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nội dung, nhiệm vụ:

a. Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học:

- Thực hiện hiệu quả các chính sách Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, tiếp tục củng cố, mở rộng hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước; thành lập và quản lý bền vững các hành lang đa dạng sinh học kết nối giữa các khu bảo tồn thiên nhiên; Áp dụng các biện pháp khoanh nuôi tái sinh, phục hồi tự nhiên các hệ sinh thái bị suy thoái trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học.

[...]