Kế hoạch 103/KH-UBND về phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020

Số hiệu 103/KH-UBND
Ngày ban hành 20/04/2020
Ngày có hiệu lực 20/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Thiên Định
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 103/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08 thánh 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020”;

Căn cứ Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Để khoa học công nghệ thực sự có vai trò thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh năm 2020 với các nội dung như sau

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC BÊN THAM GIA THỊ TRƯỜNG KHCN

1. Quan điểm phát triển thị trường khoa học và công nghệ

- Thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường khoa học và công nghệ; tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực và các thiết chế trung gian của thị trường khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; thúc đẩy quan hệ cung, cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò chủ thể trung tâm của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khoa học và công nghệ; chủ động tích cực hội nhập với khu vực và thế giới để phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

- Tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN, thực hiện có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, khai thác sáng chế/giải pháp hữu ích, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Huy động hiệu quả các lực lượng KH&CN trong tỉnh và tranh thủ lực lượng KH&CN ở bên ngoài.

2. Định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

- Ứng dụng KH&CN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chuỗi giá trị, gắn với phát huy giá trị tài sản trí tuệ và thúc đẩy thị trường KH&CN.

- Phát triển KH&CN phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động ứng dụng KH&CN sang khu vực doanh nghiệp.

- Tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN, thực hiện có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, khai thác sáng chế/giải pháp hữu ích, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy thị trường KHCN phát triển.

- Tập trung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ để khởi nghiệp.

- Ưu tiên hỗ trợ các dự án KH&CN cho các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ thông tin - gắn với chương trình xây dựng đô thị thông minh, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong y dược và phát triển sản phẩm mang thương hiệu Huế.

- Phát triển KH&CN cần gắn với mục tiêu xây dựng Đại học Huế thành đại học định hướng nghiên cứu - ứng dụng, là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mạnh trên các lĩnh vực; nhà nước cần tạo mối liên kết mạnh mẽ giữa nhà khoa học với doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường KH&CN...

3. Các bên tham gia thị trường khoa học và công nghệ

a) Nhà nước

- Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hợp đồng công nghệ... để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch, hiệu lực cao cho thị trường KH&CN phát triển.

- Xây dựng và kế hoạch phát triển thị trường KH&CN trong từng giai đoạn, lồng ghép với quy hoạch phát triển các yếu tố cấu thành thị trường, đảm bảo sự phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt.

- Hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể trên thị trường; tạo điều kiện để cho doanh nghiệp chú trọng vào đầu tư đổi mới công nghệ.

- Đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại cho thị trường KH&CN phát triển như: Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống văn phòng, trung tâm giao dịch…; Tổ chức cung ứng tốt, hiệu quả các loại dịch vụ công trên thị trường như dịch vụ cấp bằng sở hữu trí tuệ, dịch vụ thông tin thị trường,...

- Thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ gắn với thị trường KH&CN, khởi nghiệp từ các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích...

- Tạo mối liên kết mạnh mẽ giữa nhà khoa học với doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường KH&CN...

[...]