Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2023 về triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội tại cộng đồng, giai đoạn 2023-2025 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 102/KH-UBND
Ngày ban hành 22/05/2023
Ngày có hiệu lực 22/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thực Hiện
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 22 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CHI TRẢ KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, BẢO TRỢ XÃ HỘI TẠI CỘNG ĐỒNG, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng đang hưởng chính sách an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch Triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội tại cộng đồng, giai đoạn 2023 - 2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.

b) Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thay đổi dần tập quán, thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Cần Thơ; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên địa bàn, góp phần xây dựng chính sách điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán.

c) Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; từng bước cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong chi trả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.

d) Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội tại cộng đồng được tốt hơn.

2. Yêu cầu

a) Quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, phù hợp với các nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội và điều kiện ở vùng nông thôn.

b) Đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội được hưởng lợi.

c) Đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ cho việc chi trả không dùng tiền mặt.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐƠN VỊ THỰC HIỆN

1. Phạm vi

Triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội tại cộng đồng thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối tượng người có công với cách mạng (bao gồm thân nhân của người có công với cách mạng) đang nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại cộng đồng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

3. Phương thức chi trả

a) Chi trả chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng thời bằng hai hình thức: chi trả bằng tiền mặt và chi trả không dùng tiền mặt. Việc chuyển đổi phương thức chi trả không dùng tiền mặt được thực hiện thí điểm theo lộ trình từ năm 2023 đến năm 2025, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của các đối tượng.

b) Chi trả chính sách an sinh xã hội được thực hiện thông qua Tổ chức dịch vụ chi trả. Việc lựa chọn Tổ chức dịch vụ chi trả được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Các đơn vị tham gia thực hiện chi trả

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (theo ủy quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với Tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng qua tài khoản số, tài khoản ngân hàng.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng phương án thanh toán tổng thể và mạng lưới chi trả trên địa bàn thành phố Cần Thơ

a) Xây dựng phương án chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Cần Thơ, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả không sử dụng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa phương thức chi trả tài khoản số, tài khoản ngân hàng, đảm bảo công tác chi trả từ tài khoản thuận tiện, dễ dàng, an toàn, minh bạch và bao phủ đến tận xã, phường, thị trấn; bố trí mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất 01 điểm chi trả để đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đến rút tiền được thuận tiện hơn.

[...]