Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 1008/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Khánh Hòa năm 2023

Số hiệu 1008/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2023
Ngày có hiệu lực 09/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Đinh Văn Thiệu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1008/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 09 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2023

I. KẾ HOẠCH PHÒNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Mục tiêu

- Dự phòng, ngăn chặn, cảnh báo sớm và ứng phó kịp thời với các bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, tái nổi như Sốt Xuất huyết Dengue (SXHD), Zika, Tay Chân Miệng (TCM), cúm A H1N1, H5N1, H7N9, H10N8, MERS-CoV, Đậu mùa khỉ, COVID-19... và các bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại, dịch hạch... trên phạm vi toàn tỉnh; phát hiện sớm để chủ động có kế hoạch khoanh vùng, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra và lan rộng; giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Huy động sự tham gia tích cực và xác định vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên tỉnh Khánh Hòa.

- Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền để từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong phòng bệnh, phát hiện dịch bệnh và chủ động tham gia xử lý khi có dịch.

- Xây dựng hệ thống giám sát dịch có đủ năng lực về: Giám sát thường xuyên, ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, phân tích, phiên giải số liệu về bệnh truyền nhiễm; cảnh báo được dịch và nguy cơ gây bệnh dịch; xây dựng chương trình hành động thiết thực, hiệu quả cho phòng, chống dịch bệnh.

- Củng cố các đội cơ động phòng chống dịch tại các tuyến, sẵn sàng tiếp cận xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra; thiết lập hệ thống trung tâm đáp ứng các sự kiện khẩn cấp về y tế trong phòng chống dịch bệnh.

- Chủ động sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân ở các cơ sở khám, chữa bệnh; có phương án cụ thể khi dịch xảy ra ở diện rộng.

- Nâng cao năng lực trong khâu thu nhận, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm và xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh của hệ thống xét nghiệm; củng cố, mở rộng các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây dịch khi dịch lây lan ra cộng đồng.

- Đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh ở các tuyến.

2. Các chỉ tiêu, nội dung hoạt động

- 100% các địa phương đảm bảo xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh và các văn bản, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, biểu mẫu báo cáo được triển khai.

- 100% dịch bệnh mới phát sinh và các ổ dịch được phát hiện sớm, xử lý và dập dịch kịp thời.

- 100% cán bộ làm công tác phòng, chống dịch được tập huấn về giám sát, cũng như công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; công tác phối hợp liên ngành.

- 100% các cơ sở y tế thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế bằng phần mềm trực tuyến và hình thức báo cáo khác như quy định.

- 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch xâm nhập.

- Giảm 8% số mắc bệnh truyền nhiễm phổ biến so với giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

STT

Tên bệnh

Chỉ tiêu năm 2023

Trung bình giai đoạn 2016 - 2020

1

Sốt xuất huyết Dengue

Số ca mắc/100.000 dân < 559

Tỷ lệ chết/số ca mắc < 0,09%

Số ca mắc/100.000 dân là 482

Khống chế tỷ lệ chết/số ca mắc < 0,09%

2

Tay chân miệng

Số ca mắc/100.000 dân < 149

Tỷ lệ chết/số ca mắc ≤ 0,002%

Số ca mắc/100.000 dân là 149

Không có tử vong

3

Zika

Số ca mắc/100.000 dân < 0,1

Số ca mắc/100.000 dân là 0,1

3

Cúm A(H5N1, H7N9)

Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng.

Không ghi nhận trường hợp mắc

4

Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả

Không để mắc

Không ghi nhận trường hợp mắc

5

Viêm não vi rút

Số ca mắc/100.000 dân < 0,4

Số ca mắc/100.000 dân là 0,4

6

Bệnh Sởi

Tỷ lệ mắc/100.000 dân < 5

Theo chỉ tiêu chuyên môn Tiêm chủng mở rộng năm 2021

7

Bạch hầu

Tỷ lệ mắc/100.000 dân < 0,05

 

8

Ho gà

Tỷ lệ mắc/100.000 dân < 1

 

9

COVID-19

Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng.

 

10

Các bệnh truyền nhiễm khác

Giám sát, phát hiện sớm, không để dịch lớn xảy ra

 

3. Các biện pháp triển khai

a) Công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát hoạt động:

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại địa phương.

- Thường xuyên nắm bắt, theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh để kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

- Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người chủ động xây dựng và triển khai hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh.

- Huy động Nhân dân và các đoàn thể chính trị xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh.

b) Củng cố mạng lưới hoạt động:

- Tăng cường phối hợp liên ngành: Phối hợp với ngành Chăn nuôi và Thú y để triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người; ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên để huy động lực lượng tham gia phòng, chống SXH-Zika, Tay chân miệng... ngay tại hộ gia đình và cộng đồng.

[...]