Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 37/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 16/02/2023
Ngày có hiệu lực 16/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 16 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2023

Năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới vẫn chưa thể kết thúc tình trạng y tế khẩn cấp liên quan đến đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại nhiều quốc gia và trở thành vấn đề y tế. Dịch bệnh sốt xuất huyết dengue bùng phát mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vẫn ghi nhận ca mắc rải rác tại một số quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, năm 2022 dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ giai đoạn đầu năm, sau đó được kiểm soát tốt; dịch sốt xuất huyết dengue tăng mạnh với 350.000 ca mắc và 133 ca tử vong; ghi nhận 02 ca mắc đậu mùa khỉ xâm nhập tại Thành phố Hồ Chí Minh; một số bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng gia tăng.

Tại Lạng Sơn, năm 2022 dịch COVID-19 ghi nhận 157.990 ca mắc COVID-19, tử vong 93 ca, trong đó dịch bùng phát mạnh vào tháng 3 với 112.026 ca mắc và 42 ca tử vong được ghi nhận, tình hình dịch giảm mạnh từ tháng 5/2022 đến nay. Dịch bệnh sốt xuất huyết dengue ghi nhận số ca mắc năm 2022 là 51 ca, tăng hơn so với năm 2021 (không có ca mắc), tuy nhiên đã được kiểm soát. Các dịch bệnh khác vẫn ghi nhận số ca mắc rải rác.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi và biên giới, có hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt thuận lợi; là đầu mối giao lưu văn hoá, thương mại và du lịch, các dịch bệnh thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây nên, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra và lan rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, huy động được toàn dân tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ chức phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường xuyên, kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế; quản lý và giám sát được tình hình bệnh truyền nhiễm, khống chế không để dịch lây lan.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động phòng ngừa, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% UBND các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phương án phòng, chống dịch COVID-19 sát với tình hình thực tế của địa bàn; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch tại địa bàn. Tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm các cấp.

b) 100% bệnh, dịch mới phát sinh và các ổ dịch được phát hiện sớm, báo cáo và khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

c) Trên 90% người làm công tác giám sát, phòng, chống dịch và thống kê, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm tại các tuyến được tập huấn về giám sát, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và hướng dẫn sử dụng báo cáo bằng phần mềm qua mạng internet.

d) 100% các đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu.

đ) Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ dưới 01 tuổi trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của Chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

e) Chủ động triển khai công tác tiêm vắc xin COVID-19 trẻ em từ 05 đến dưới 18 tuổi, người trên 18 tuổi được tiêm các mũi cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn và phân bổ vắc xin của Bộ Y tế; tiêm cho các nhóm đối tượng khác khi có chỉ đạo của Bộ Y tế; nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt được miễn dịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành

- Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh.

- Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống dịch.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ - Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”.

- Củng cố, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động trong phòng, chống dịch bệnh; kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai công tác phòng, chống dịch. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đáp ứng theo từng tình huống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo tuyến dưới.

[...]