Kế hoạch 10055/KH-UBND năm 2017 thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2017-2021 do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 10055/KH-UBND
Ngày ban hành 14/12/2017
Ngày có hiệu lực 14/12/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10055/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 14 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CẢI CÁCH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2017 - 2021

Thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTPTW ngày 06/10/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chương trình số 1087-CTr/BCSĐCP ngày 22/9/2016 của Ban cán sự Đảng Chính phủ về trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2017 - 2021, với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTPTW ngày 06/10/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chương trình số 1087-CTr/BCSĐCP ngày 22/9/2016 của Ban cán sự Đảng Chính phủ và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 20/6/2006 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW thành các nhiệm vụ cụ thể.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương cải cách tư pháp trong đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Các nhiệm vụ cải cách tư pháp phải bám sát mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 49-NQ/TW, đồng bộ với việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTPTW của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

b) Các nhiệm vụ cải cách tư pháp phải đảm bảo cụ thể, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi và lộ trình với thứ tự ưu tiên hợp lý nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2021.

c) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTPTW ngày 06/10/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 20/6/2006 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự; các Bộ luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp, quyền con người, quyền công dân... đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, gắn nhiệm vụ cải cách tư pháp với việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật

a) Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tổ chức triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành, trọng tâm là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan. Hàng năm, đưa nội dung chỉ đạo thực hiện phổ biến các Bộ luật, Luật nêu trên và các Luật mới ban hành có liên quan trong lĩnh vực hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng là nội dung trọng tâm thực hiện.

b) Tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nói chung, các văn bản về lĩnh vực hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng nói riêng.

c) Tham gia góp ý các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp năm 2013, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp ở địa phương.

d) Tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương ban hành có liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc tự sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, các sở, ngành, đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp

a) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ về bổ trợ tư pháp, triển khai thực hiện tốt chiến lược, quy hoạch, đề án trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực này nhằm hình thành mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của các tổ chức hội trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

b) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu công chứng, chứng thực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Luật sư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Chiến lược, Đề án phát triển đội ngũ luật sư theo đúng lộ trình, thời gian thực hiện. Căn cứ các quy định của pháp luật, tham mưu xây dựng cơ chế bảo đảm để đội ngũ Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng từng bước bảo đảm cho mọi công dân và người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu được bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình... Đề cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.

d) Tổ chức thực hiện tốt Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

[...]