Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 10/KH-UBND năm 2020 về đáp ứng đối với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Nam Định

Số hiệu 10/KH-UBND
Ngày ban hành 03/02/2020
Ngày có hiệu lực 03/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Trần Lê Đoài
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

Nam Định, ngày 03 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐÁP ỨNG VỚI TỪNG CẤP ĐỘ DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

Thực hiện Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 và Chỉ thị số 06/CT- TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Vi rút Corona gây ra; Quyết định số 237/QĐ-BYT ngày 31/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch đáp ứng đối với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC TIÊU:

Phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

II. NỘI DUNG:

1. Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị.

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc các Sở, ban, ngành liên quan là thành viên.

- Theo dõi sát diễn biến tình hình, đánh giá tình hình dịch bệnh hàng ngày, định kỳ báo cáo theo quy định.

- Giao Sở y tế chịu trách nhiệm phát ngôn về tình hình dịch bệnh theo quy định.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương.

b) Công tác giám sát, dự phòng

- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan, tăng cường giám sát, xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan rộng.

- Giám sát, theo dõi hàng ngày tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gần với những trường hợp có sốt, ho, khó thở về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe và khai báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Ngành Y tế phải chủ động nắm thông tin về tình hình sức khỏe của người tiếp xúc gần hàng ngày thông qua điện thoại hoặc trực tiếp. Cách ly ngay những trường hợp mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu xét nghiệm.

- Chủ động giám sát sức khỏe người lao động đi đến từ vùng có dịch, nhất là người Trung Quốc quay lại Nam Định sau kỳ nghỉ Tết.

- Duy trì giám sát trọng điểm bệnh hội chứng cúm (ILI) tại các điểm giám sát trọng điểm.

- Thiết lập, duy trì các đội đáp ứng nhanh đáp ứng với dịch bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019 của Bộ Y tế; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế.

- Tổ chức công tác tập huấn về giám sát, phát hiện bệnh, lấy mẫu, biện pháp phòng tránh theo Quyết định số 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV).

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế; các đội đáp ứng nhanh trực sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, chẩn đoán, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch tại các tuyến, chủ động bổ sung và sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo Thông tư 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

c) Công tác điều trị

- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh theo phân tuyến điều trị, hạn chế chuyển tuyến.

- Cơ sở khám, chữa bệnh bố trí khu vực riêng để điều trị bệnh nhân. Khu vực cách ly được chia thành ba đơn nguyên: bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và khu lưu giữ bệnh nhân trước khi xuất viện.

[...]