Kế hoạch 12/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 20/01/2024
Ngày có hiệu lực 20/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Sơn La, ngày 20 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2024

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 27/TTr-SKHĐT ngày 18/01/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

- Cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Trung ương nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của Hiến pháp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính gây chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng thời hạn và không được đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Thiết lập cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật.

- Duy trì và nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt, tiên tiến về quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách về môi trường kinh doanh để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh....

- Chương trình hành động là căn cứ để các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, lồng ghép vào các chương trình, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức triển khai thực hiện góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

- Thống nhất và quán triệt sâu sắc quan điểm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; là giải pháp quan trọng để củng cố được lòng tin của doanh nghiệp và người dân, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách, thúc đẩy thu hút nguồn lực phát triển địa phương.

- Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, đảm bảo tính nhất quán, ổn định, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp.

- Cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, từng địa phương, đơn vị; phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, đơn vị; UBND các huyện, thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 24/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 4.000 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn 2021-2025 thành lập mới thêm khoảng 1.600 doanh nghiệp, số doanh nghiệp tư nhân thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 320 doanh nghiệp.

- Khoảng 30% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh Sơn La có khoảng trên 3.700 doanh nghiệp, trong đó thành lập mới thêm khoảng 320 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2023.

- 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- Năm 2024 phấn đấu cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong bảng xếp hạng toàn quốc. Phát huy các kết quả đạt được về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Chỉ số sự hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Chuyển đổi số (DTI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT INDEX).

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

[...]