Kế hoạch 02/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 02/KH-UBND
Ngày ban hành 08/01/2019
Ngày có hiệu lực 08/01/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Minh Huấn
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 08 tháng 01 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2019

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao; xác định nhiệm vụ trọng tâm của các cấp từ tỉnh đến cơ sở để phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

2. Yêu cầu

Việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các ngành, các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và tăng cường sự giám sát của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh để thực hiện thành công Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành, đơn vị gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ việc triển khai thực hiện.

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa theo hướng hiệu quả. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019

Năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố khó lường. Trong bối cảnh như vậy, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung Quy hoạch đến năm 2025; các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các kế hoạch, chương trình và đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

2. Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 khâu đột phá

2.1. Phát triển công nghiệp

Tiếp tục thực hiện Kết luận số 30-KL/TU ngày 25/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huy động nguồn lực tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát huy công suất, hiệu quả hoạt động của các nhà máy, nhất là những sản phẩm có giá trị lớn, đảm bảo hoàn thành vượt chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp. Đôn đốc, tạo điều kiện để các dự án công nghiệp sớm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất trong năm 2019. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương đầu tư. Tích cực thu hút đầu tư dự án công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử..., ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước. Triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công đã được phê duyệt, thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

2.2. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”; Đề án "Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”; chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực và đặc sản của địa phương. Thực hiện tốt chương trình mỗi huyện phát triển 1-2 sản phẩm, mỗi xã phát triển 1 sản phẩm có hiệu quả kinh tế. Xây dựng và triển khai Đề án phát triển đàn trâu, thủy sản, Chương trình phát triển kinh tế lâm nghiệp đến năm 2025; sản xuất, quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo trồng rừng tập trung và thực hiện quản lý rừng bền vững; tăng nhanh diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh và chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021.

Tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên; Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Duy trì, giữ vững nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 30 xã đã được chuẩn nông thôn mới; phấn đấu có thêm 05 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Hồng Thái, huyện Na Hang; xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa; xã Thái Bình, huyện Yên Sơn; xã Vĩnh Lợi và xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương; nâng số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh trên 14 tiêu chí/xã. Lựa chọn 02 xã (Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn và Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang) thực hiện chỉ đạo xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2019.

2.3. Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Tiếp tục thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai dự án tại các khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, khu du lịch Quốc gia Tân Trào, các dự án phát triển du lịch, dịch vụ tại các huyện, thành phố. Sắp xếp, tổ chức lại các Ban Quản lý khu du lịch của tỉnh. Ban hành và thực hiện Đề án phát triển du lịch tâm linh; Đề án du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chuẩn bị các điều kiện và tổ chức Lễ hội Thành Tuyên năm 2019 gắn với Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ hai. Chú trọng phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch. Thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.

3. Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm có hiệu quả, đúng tiến độ mục tiêu theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh đến năm 2020; cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường liên thông, kết nối, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, tăng cường liên thông, kết nối, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Triển khai thực hiện tốt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ban hành và triển khai thực hiện Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phát triển mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có giải pháp phù hợp chuyển hộ cá thể sang doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 12/02/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thực hiện hiệu quả Chương trình hoạt động đối ngoại của tỉnh Tuyên Quang năm 2019; chủ động hội nhập quốc tế, tích cực kết nối để thiết lập quan hệ hợp tác với một số địa phương, đối tác nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh tỉnh Tuyên Quang.

4. Huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 21/3/2017 và Thông báo số 197/TB-VPCP ngày 30/5/2018 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, hoàn thiện các thủ tục đầu tư bảo đảm tiến độ các công trình, dự án như Dự án đường cao tốc kết nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), cầu Tình Húc, đường dọc hai bên bờ sông Lô, các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có quy mô lớn. Tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại II và xây dựng các đô thị trong tỉnh theo lộ trình.

[...]