Kế hoạch 01/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác trợ giúp pháp lý năm 2023 do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 01/KH-UBND
Ngày ban hành 03/01/2023
Ngày có hiệu lực 03/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 03 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2023

Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác trợ giúp pháp lý năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức tuyên truyền, triển khai và thực hiện có hiệu quả quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý, chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho đối tượng được trợ giúp pháp lý nắm vững quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp pháp lý của nhà nước, trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt của Trợ giúp viên pháp lý;

b) Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý giúp người dân nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, hạn chế tranh chấp, vi phạm pháp luật, khiếu nại vượt cấp, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố;

c) Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý, sự phối hợp và phát huy trách nhiệm của các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể trong triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 sâu rộng. Thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố đồng bộ, có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý;

d) Đảm bảo tiếp cận trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý tham gia các phiên tòa, phiên họp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng. Bảo đảm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc Tòa án thụ lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, phù hợp với người thuộc diện đối tượng được trợ giúp pháp lý. Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với Tòa án trong việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý như: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng và các hoạt động trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở phải được tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả.

Năm 2023, tiếp tục chú trọng hình thức tham gia tố tụng, phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, gắn với thực hiện các chính sách pháp luật về giảm nghèo, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính.

b) Phấn đấu trong năm 2023, hoạt động trợ giúp pháp lý đáp ứng 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Tăng cường các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Phối hợp tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở khi địa phương có yêu cầu, bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong từng cuộc trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở;

c) Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan, cụ thể: Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý, truyền thông, trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp diện người được trợ giúp pháp lý và phối hợp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu người được trợ giúp pháp lý; Thanh tra nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước về thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính; cơ quan công tác dân tộc trong thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số; các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện trợ giúp pháp lý đối với trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài chính và một số đối tượng khác theo quy định; Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 3684/STP-TAND ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân thành phố.

d) Đảm bảo kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý nhà nước, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội...

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng

a) Tham gia tố tụng: Cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Đảm bảo 100% các vụ việc yêu cầu đều có người thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và pháp luật về tố tụng:

- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;

- Đơn vị phối hợp: Cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, đơn vị có liên quan;

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tư vấn pháp luật: Đáp ứng 100% yêu cầu tư vấn pháp luật của người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc:

- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;

- Đơn vị phối hợp: Cơ quan, đơn vị có liên quan;

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

c) Đại diện ngoài tố tụng: Cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo 100% yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý về đại diện ngoài tố tụng, giúp đỡ họ hòa giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính...:

- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố;

[...]