Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 21/06/2021
Ngày có hiệu lực 21/06/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tuấn Phong
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Bình Thuận, ngày 21 tháng 6 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được tiến hành sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đối tượng chính sách và đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Qua đó, tiếp tục khẳng định trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân được tiếp cận công lý và quyền bình đẳng trước pháp luật; xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua chưa thật sự thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia; trong khi đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và nhu cầu thụ hưởng trợ giúp pháp lý ngày càng được mở rộng và tăng cao. Một số đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý chưa được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí như trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài chính; nguồn nhân lực là Trợ giúp viên pháp lý còn thiếu so với nhu cầu nhiệm vụ trợ giúp pháp lý ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện nay có 03 Trợ giúp viên pháp lý, trong khi địa bàn toàn tỉnh rất rộng và đối tượng cần được trợ giúp pháp lý tăng cao... Việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý và phản hồi, giải quyết kiến nghị của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý còn chưa được các ngành, các cấp quan tâm; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được tăng cường nhưng chưa phát huy hết vai trò và trách nhiệm của từng đơn vị.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Sở Tư pháp:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực trợ giúp pháp lý; chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương theo từng giai đoạn.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp đối với từng nhóm đối tượng.

c) Rà soát, lựa chọn các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, góp phần thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

d) Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh củng cố, kiện toàn đội ngũ Luật sư cộng tác viên ký kết hợp đồng với Trung tâm nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật.

đ) Chủ trì, phối hợp với các ngành là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP- BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

e) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm, Chi nhánh trợ giúp pháp lý đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý; có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực là Trợ giúp viên pháp lý cho Trung tâm và các Chi nhánh, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 12 Trợ giúp viên pháp lý hoạt động.

g) Chú trọng tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên, Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên và thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về công tác trợ giúp pháp lý, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng.

h) Nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong đó chú trọng tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý và kịp thời cập nhật các vụ việc trợ giúp pháp lý lên phần mềm quản lý tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định.

i) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và điều kiện thực tế của tỉnh.

k) Làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ, kết quả thực hiện Chỉ thị này. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể, giai đoạn nhằm triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

2. Sở Nội vụ: phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc củng cố, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đảm bảo đủ nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý; phối hợp và hướng dẫn Sở Tư pháp có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực là Trợ giúp viên pháp lý cho Trung tâm và các Chi nhánh.

3. Sở Tài chính: tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hợp lý đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và hoạt động trợ giúp pháp lý, kinh phí đào tạo nguồn nhân lực Trợ giúp viên pháp lý nhằm đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý; phối hợp, hướng dẫn Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Báo Bình Thuận thường xuyên đưa tin, bài viết về Luật Trợ giúp pháp lý; các hoạt động trợ giúp pháp lý để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp đổi mới hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc thù của trẻ em và người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đảm bảo trẻ em, người khuyết tật có khó khăn về tài chính và những người đại diện hợp pháp của nhóm đối tượng này hiểu rõ quyền được trợ giúp pháp lý và hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí.

b) Tổng hợp số liệu và nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, người có công với Cách mạng, người khuyết tật tại các cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc phạm vi quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý.

6. Ban Dân tộc tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp, Ủy Ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số và triển khai hoạt động tuyên truyền, truyền thông về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Rà soát diện người dân tộc được trợ giúp pháp lý miễn phí trên địa bàn tỉnh; tăng cường giới thiệu người được trợ giúp pháp lý là đồng bào dân tộc thiểu số đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh khi họ có nhu cầu.

7. Thanh tra tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt các quy định của Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP ngày 06/6/2011 của Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.

b) Khi giải quyết khiếu nại, trường hợp phát hiện người khiếu nại thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn người khiếu nại về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương và có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện để người thực hiện trợ giúp pháp lý giúp đỡ về pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.

[...]