ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 930/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 25
tháng 3 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 398/KH-BNN-TY NGÀY 13 THÁNG 01 NĂM
2020 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị quyết số
100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại
kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (các nhiệm vụ thú y);
Thực hiện Kế hoạch số
398/KH-BNN-TY ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của
Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (các nhiệm vụ
thú y),
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum
ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh thú y với các nội dung cụ
thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH
- Triển khai thực hiện có hiệu
quả Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội; trong
đó có nội dung về kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản
lý chuyên ngành Thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở.
- Tổ chức phòng, chống và kiểm
soát tốt dịch bệnh động vật nguy hiểm, đặc biệt là Bệnh dịch tả lợn Châu phi,
Cúm gia cầm, Lở mồm long móng và bệnh Dại ở động vật; kịp thời phát hiện và
ngăn chặn các loại dịch bệnh động vật, mầm bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhiễm
vào Việt Nam.
- Tổ chức xây dựng các vùng, cơ
sở, chuỗi sản xuất, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Kiện
toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú
y các cấp theo quy định của Luật thú y, đặc biệt tại cấp huyện, cấp xã, đảm bảo
đủ sức thực thi nhiệm vụ.
- Tổ chức đánh giá thực trạng
và báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiện toàn, củng cố và tăng cường
năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của
Luật thú y, nhất là tại cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số
100/2019/QH 14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội.
- Phê duyệt “Đề án tăng cường
năng lực hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
2. Tổ chức
phòng, chống và kiểm soát tốt dịch bệnh động vật
2.1. Tăng cường công tác chủ động
kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vận nuôi, chú ý các dịch bệnh
truyền nhiễm sau:
- Giám sát Cúm gia cầm:
Thực hiện theo Quyết định số 1206/QĐ-BNN-TY ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình quốc gia giám sát bệnh
Cúm gia cầm, Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút Cúm gia cầm
nguy hiểm có khả năng lây sang người" đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum
thống nhất tại Công văn số 829/UBND-KTN ngày 14 tháng 4 năm 2014, Kế hoạch số
1272/KH-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống bệnh
cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Kế hoạch
3303/KH-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phòng, chống
dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020.
- Giám sát bệnh Lở mồm
long móng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31
tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng,
chống dịch bệnh động vật trên cạn và theo Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY ngày 17
tháng 02 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt
Chương trình quốc gia phòng, chống dịch, bệnh Lở mồm long móng giai đoạn
2016-2020, Kế hoạch 1093/KH-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh
về việc thực hiện Chương trình Quốc gia về phòng, chống bệnh Lở mồm long móng
trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch 3303/KH-UBND ngày 11
tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phòng, chống dịch bệnh động vật
trên cạn năm 2020.
- Giám sát bệnh Tai
xanh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng
5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch 3303/KH-UBND
ngày 11 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phòng, chống dịch bệnh động
vật trên cạn năm 2020.
- Giám sát bệnh Dại: Thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT- BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo Kế hoạch số 1293/KH-UBND ngày 28
tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc thực hiện Chương
trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh
Kon Tum giai đoạn 2018-2021. Kế hoạch 3303/KH-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2019 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về Phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020.
- Giám sát bệnh Dịch tả
lợn Châu phi: Theo Quyết định 4527/QĐ-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với
bệnh Dịch tả lợn Châu phi và Quyết định số 230/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2019
của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn
cấp bệnh Dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào tỉnh Kon Tum. Kế hoạch 3303/KH-UBND
ngày 11 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động
vật trên cạn năm 2020.
- Giám sát các bệnh khác
trên đàn vật nuôi:
+ Giám sát lâm sàng chủ động:
Chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với chính quyền địa
phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi lâm sàng để phát hiện và xử lý
kịp thời các ổ dịch, bệnh, đặc biệt đối với gia súc, gia cầm mới đưa vào địa
bàn, mới nuôi, gia súc trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao.
+ Giám sát bị động: Khi xuất hiện
các ổ dịch bệnh, nghi bệnh cơ quan quản lý lĩnh vực thú y cấp huyện tiến hành
kiểm tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
2.2. Thực hiện tiêm phòng cho
đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31
tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Tổ chức
xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực
phẩm, bảo đảm nhu cầu tiêu dung trong nước
- Xây dựng Đề án phát triển
chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 theo tình hình thực tế của tỉnh và cả nước.
- Chỉ đạo các địa phương hướng
dẫn, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết
trong chăn nuôi lợn, gia cầm; triển khai cho tất cả các cơ sở, hộ chăn nuôi có
quy mô trang trại thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nhằm
tạo ra sản phẩm sạch phục vụ trong nước và xuất khẩu, trong đó chú trọng từ
khâu chuồng trại, con giống, quy trình chăn nuôi, phòng bệnh,... đến khi xuất
bán.
- Tuyên truyền, phổ biến và
khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo
Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
+ Đối với bệnh Dại: Uỷ ban nhân
dân thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông là những nơi có đông dân cư, khu du lịch
xây dựng vùng an toàn bệnh Dại đê đảm bảo an toàn cho cộng đồng, thu hút du
khách tới du lịch, tham quan; tổ chức đánh giá và công nhận địa phương (xã,
phường, thị trấn, huyện, thành phố) không có bệnh Dại động vật.
+ Đối với bệnh Cúm gia cầm: Ủy
ban nhân dân huyện Ngọc Hồi tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch Bệnh cúm gia cầm
gắn với sản xuất theo chuỗi cung ứng.
+ Đối với bệnh LMLM, Dịch tả lợn
cổ điển: Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch gắn với
sản xuất theo chuỗi cung ứng tại xã Đăk La.
- Chỉ đạo các địa phương xây dựng
các vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như các
sản phẩm sữa dê Măng Đen, các sản phẩm chủ lực về chăn nuôi đặc trưng của địa
phương như gà, trứng gà, lợn, bò nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm
của tỉnh, đáp ứng được các tiêu chí về an toàn thực phẩm, từ đó giới thiệu để
đưa vào các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh và tiến tới ra thị trường trong
khu vực và ngoài nước.
- Tăng cường công tác kiểm soát
giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật, nhằm tạo
ra sản phẩm đảm bảo về an toàn thực phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hướng tới
xuất khẩu. Tiếp tục quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động các cơ sở giết mổ
động vật tập trung, nhất là tại thành phố Kon Tum.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: tổ chức
đánh giá thực trạng và báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kiện toàn,
củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các
cấp theo quy định của Luật thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Đề án tăng
cường năng lực hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” khi có hướng
dẫn của Trung ương.
2. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Cơ quan thường trực, chủ trì,
phối hợp với ngành chức năng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật
trên địa bàn tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kịp thời các văn bản
chỉ đạo phòng, chống dịch; triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở vùng
nuôi an toàn.
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ
chức đoàn thể, các Sở ngành liên quan, các địa phương tổ chức thông tin, tuyên
truyền sâu rộng về tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch, quy
trình nuôi an toàn, tiến bộ kỹ thuật đến các hộ nuôi, sản xuất, kinh doanh con
giống để mọi người hiểu rõ từ đó tự giác thực hiện.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc
hướng dẫn các địa phương giám sát và phòng chống các bệnh động vật lây sang người
(bệnh dại, cúm gia cầm, nhiệt thán,...) theo Thông tư liên tịch số
16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27 tháng 5 năm 2013 của liên Bộ: Y tế, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền
từ động vật sang người.
- Tổ chức kiểm tra tình hình
triển khai thực hiện, kết quả thực hiện kế hoạch của các địa phương; báo cáo Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và
Thú y:
+ Tổ chức triển khai thực hiện
kế hoạch; phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương thông tin, tuyên
truyền về các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
+ Phối hợp, hướng dẫn Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật,
phát triển chăn nuôi, quản lý công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật,
kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
+ Tổ chức cấp vắc xin, hóa chất
và vật tư cần thiết cho các huyện, thành phố để triển khai các biện pháp phòng
chống dịch hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm.
+ Tổ chức giám sát, hướng dẫn
các địa phương triển khai áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trên
đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt chăn nuôi an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn đảm
bảo an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dịch tả lợn Châu phi.
+ Triển khai hướng dẫn, giám
sát công tác tái đàn lợn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Phối hợp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có
liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch này
phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.
4. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
- Căn cứ kế hoạch phòng, chống
dịch bệnh của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng ban hành và
triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch trên địa bàn quản lý; Chủ động chuẩn
bị đầy đủ kinh phí, lực lượng, vật tư, hóa chất chủ động ứng phó khi có dịch bệnh
xảy ra. Định kỳ trước ngày 25 hằng tháng báo cáo kết quả triển khai về Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn chủ trì và phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các
huyện, thành phố tổ chức thống kê và lập danh sách các hộ, cơ sở chăn nuôi, quản
lý đàn vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm, thủy cầm, chó, mèo); tổ chức
giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây,
khống chế không để dịch lây lan; quản lý việc kinh doanh mua bán thuốc thú y,
thức ăn chăn nuôi, động vật, sản phẩm động vật và giết mổ động vật trên địa
bàn.
- Xây dựng các vùng chăn nuôi
gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
vận động các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi tự giác, tích cực tham gia vào
công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; chăn nuôi an toàn sinh học, không gây
ô nhiễm môi trường; chủ động giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch
bệnh gia súc gia cầm.
Trên đây là Kế hoạch của Ủy ban
nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 398/KH-BNN-TY ngày 13 tháng
01 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Nghị
quyết số 100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất
vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (các nhiệm vụ thú y), đề nghị các Sở,
ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển
khai thực hiện nghiêm túc, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị
địa phương phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- Lưu VT, NNTN4.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|