Quyết định 230/QĐ-UBND năm 2019 về Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp bệnh Dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào tỉnh Kon Tum

Số hiệu 230/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/03/2019
Ngày có hiệu lực 13/03/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 230/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 13 tháng 03 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NGĂN CHẶN VÀ ỨNG PHÓ KHẨN CẤP BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI XÂM NHIỄM VÀO TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thú y; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Quyết định số 4572/QĐ-BNN-TY ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 282/SNN-KH ngày 28 tháng 02 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG NGĂN CHẶN VÀ ỨNG PHÓ KHẨN CẤP BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI XÂM NHIỄM VÀO TỈNH KON TUM
(Ban hành theo Quyết định số 230/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

A. TỔNG QUAN VỀ DỊCH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

I. Thông tin về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.

- Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút. Loài ve mềm (Ornithodoros moubata) có thể làm lây truyền vi rút sang lợn.

- Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi có cấu trúc gien ADN với 22 kiểu gien (genotype) khác nhau, nhân lên trong đại thực bào và rất khó hoặc không kích thích sinh ra kháng thể trung hòa trong cơ thể lợn. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi cho lợn.

- Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, vi rút trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng, vi rút trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh thì vi rút càng tồn tại lâu.

- Bệnh Dịch tả lợn châu Phi cần được chẩn đoán phân biệt đối với một số bệnh khác trên lợn như Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh lợn, Đóng dấu lợn, Phó thương hàn và một số bệnh gây xuất huyết trên lợn.

II. Diễn biến bệnh Dịch tả lợn Châu phi tại Việt Nam

Theo thông tin từ Cục Thú y, ngày 19 tháng 02 năm 2019, tại Việt Nam đã phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu phi tại 02 tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Cục Thú y đã tiến hành phối hợp với Cơ quan chuyên môn của 02 tỉnh tiến hành lấy mẫu tiến hành lấy mẫu gửi các phòng kiểm nghiệm, phân tích trong nước cũng như tham vấn các phòng quốc tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp thực hiện ngay việc tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh trên 200 con, đa phần là lợn con và lợn choai theo mẹ. Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ chăn nuôi có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao. Thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch.

III. Nhận định tình hình

[...]