Hướng dẫn 4480/BKHĐT-TH xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 4480/BKHĐT-TH
Ngày ban hành 28/06/2013
Ngày có hiệu lực 28/06/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Bùi Quang Vinh
Lĩnh vực Đầu tư,Văn hóa - Xã hội

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4480/BKHĐT-TH

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2013

 

KHUNG HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến quý cơ quan Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014(bao gồm các phụ lục mẫu biểu báo cáo kèm theo)[1] như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013 VÀ KHẢ NĂNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2013

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 31/2012/QH13 ngày 08 tháng 11 năm 2012 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, với mục tiêu tổng quát là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2013,Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia), vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013[2].

Đồng thời với việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước, ngày 07/01/2013 Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết: số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; và số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Dưới đây là đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, dự báo khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm:

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013

Trong 6 tháng đầu năm 2013, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội đã có những chuyển biến bước đầu, tích cực và đúng hướng. Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, góp phần làm tăng mức tăng trưởng GDP Quý II lên 5%, cao hơn mức tăng của Quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%.Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những chuyển biến đáng kể tuy còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có cải thiện. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất giảm mạnh, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế,... đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra;hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể; tỷ lệ nhập siêu thấp. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp đã được triển khai. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững;…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật ổn định; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Tổng cầu, sức mua vẫn còn yếu. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp. Tiến độ thu NSNN không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Dưới đây là tình hình cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013:

1. Về ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát:

a) Về giá cả, lạm phát:

- Lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ thực hiện quyết liệt, kiên trì các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung cầu hàng hoá,... Trong 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng giá tiêu dùng có xu hướng giảm. So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,25%, tháng 2 tăng 1,32%, tháng 3 giảm (-) 0,19%, tháng 4 tăng 0,02%, tháng 5 giảm (-) 0,06%, tháng 6 tăng 0,05%. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 tăng 2,4% so với tháng 12/2012. Bên cạnh tác động của các chính sách chủ động kiềm chế lạm phát, có được kết quả nêu trên còn do các yếu tố khác, như:mặt bằng giá thế giới giảm; nguồn cung lương thực dồi dào; tổng cầu thấp, sức mua vẫn còn yếu.

Diễn biến chỉ số giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát cả năm 2013 có thể kiềm chế thấp hơn năm 2012 và đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI còn ở mức khá cao: CPI tháng 6/2013 tăng 6,69%; bình quân 6 tháng tăng 6,73%.Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, đòi hỏi phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng, như: điện, xăng dầu, phân bón, và giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, tăng cường quản lý thị trường.

- Chỉ số giá vàng tháng 6/2013 giảm 7,83%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước.

b) Về tiền tệ, tín dụng và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng:

Tổng phương tiện thanh toán (M2) tính đến ngày 20/6/2013ước tăng khoảng 7,1% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 7,51%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng khoảng 8,18% so với cuối năm 2012, trong đó: huy động vốn VND tăng 8,25%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 7,77%.

Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 20/6/2013ước tăng khoảng 3,31% so với cuối năm 2012, cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 1,54%). Dư nợ tín dụng bằng VND có sự cải thiện, tăng 6,02%, trong khi đó dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ giảm 9,02%.

Lãi suất trong 6 tháng đầu năm đã được điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát. Lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm[3].

Thị trường ngoại tệ và tỷ giá tương đối ổn định. Dự trữ ngoại hối của Nhà nước tăng cao,bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế và ổn định thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, tỷ giá có xu hướng tăng do áp lực về cầu ngoại tệ do nhập siêu quay trở lại. Thị trường vàng từng bước được quản lý và bước đầu hoạt động ổn định song chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế (quy đổi) vẫn còn ở mức cao.

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Đã cơ bản kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần xử lý; khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ mất an toàn từng bước được giảm bớt. Hoàn thành căn bản việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đang triển khai cơ cấu lại một số ngân hàng liên doanh. Các tổ chức tín dụng đã quan tâm hơn đến đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; tiếp tục hoàn thiện, hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được củng cố, phát triển.

c) Về xuất nhập khẩu:

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 62,05 tỷ USD, tăng 16,1%so với cùng kỳ năm 2012 (cùng kỳ tăng 22,2%). Xuất khẩu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao là nhờ đóng góp chủ yếu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xuất khẩu của khu vực này không kể dầu thô ước đạt 37,4 tỷ USD, tăng 28,3% (cùng kỳ tăng 41,5%) và chiếm 60,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 20,9 tỷ USD, chỉ tăng 2,2%, thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái tăng 4%).

Trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng dầu thô và than đá đều có lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm[4]. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao[5]. Điện thoại các loại và linh kiện (9,9 tỷ USD) đã vượt qua dệt may (8 tỷ USD) trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện đóng góp 99%; máy vi tính linh kiện và điện tử 98,2%; giầy dép 77,4%; hàng dệt may 60%; máy ảnh 99,6%.

Các mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là cà phê, gạo và cao su đều giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012[6]. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2012; nguyên nhân là do (i) Nguồn cung nguyên liệu không ổn định, (ii) Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, và (iii) Các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu.

[...]