BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
--------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------
|
Số:
44-HD/BTGTW
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 04
năm 2012
|
HƯỚNG DẪN
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10-CT/TW, NGÀY 05 THÁNG 12 NĂM 2011 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA
XI) VỀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ 5 TUỔI, CỦNG CỐ KẾT QUẢ PHỔ CẬP GIÁO DỤC
TIỂU HỌC VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ, TĂNG CƯỜNG PHÂN LUỒNG HỌC SINH SAU TRUNG HỌC CƠ SỞ
VÀ XÓA MÙ CHỮ CHO NGƯỜI LỚN
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ
Chính trị (khóa XI) "về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố
kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học
sinh sau trung học cơ sở và
xóa mù chữ cho người lớn" (dưới đây gọi là Chỉ thị
số 10-CT/TW) Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn các cấp ủy
đảng triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị như
sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của
các cấp ủy đảng; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên
và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số
10-CT/TW “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập
giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung
học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” góp phần triển
khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của
Đảng, đưa công tác phổ cập giáo dục thực sự hiệu quả, bền vững, nhằm phát triển
nhanh nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
2. Yêu cầu
- Các cấp ủy đảng cần quán triệt sâu
sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong Chỉ thị số 10-CT/TW; phân tích các
nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát và
mục tiêu cụ thể nêu trong Chỉ thị.
- Các cấp ủy Đảng
chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cụ
thể hóa các quan điểm của Đảng, xây dựng kế
hoạch thực hiện, phối hợp hành động, phát huy mọi nguồn lực
của xã hội để thực hiện tốt mục tiêu và các nhiệm vụ trong Chỉ thị.
- Trong quá trình thực hiện, các cấp,
các ngành tránh phô trương hình thức, chủ quan, nóng vội, duy ý chí; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn; kịp thời sơ kết, tổng kết
rút kinh nghiệm, có những điều chỉnh cần thiết phù hợp với
tình hình của địa phương, bảo đảm
công tác phổ cập giáo dục đạt hiệu quả cao.
II. Tổ chức quán
triệt Chỉ thị số 10-CT/TW và xây dựng chương trình hành động
1. Quán triệt Chỉ thị
Ban Tuyên giáo các cấp chủ động tham
mưu với cấp ủy đảng sớm tổ chức quán
triệt Chỉ thị số 10-CT/TW tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng
văn bản hướng dẫn hệ thống chính trị cùng cấp thực hiện Chỉ
thị; chỉ đạo các cơ quan truyền thông
tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, góp phần làm
chuyển biến nhận thức và hành động của toàn xã hội.
Nội dung truyền đạt cần cô đọng, súc
tích, khái quát những ưu điểm chủ yếu, phân tích sâu sắc
nguyên nhân những thành tựu, hạn chế, yếu kém của giáo dục
hiện nay, nhất là đối với công tác phổ cập giáo dục, chỉ rõ những giải pháp chủ
yếu để thực hiện các nhiệm vụ trong Chỉ thị; chú trọng liên hệ với thực tiễn ở địa phương, đơn vị.
2. Xây dựng và triển khai chương
trình hành động
Bám sát nội dung trong Chỉ thị số
10-CT/TW, các bộ, ngành, các đơn vị tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng chương trình hành động cụ thể, xác định rõ mục
đích, yêu cầu, nội dung, thể hiện đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp trong Chỉ thị;
cụ thể hóa lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2020, phù hợp
với điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi cao.
III. Thực hiện các
nhiệm vụ và giải pháp trong Chỉ thị số 10-CT/TW
Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo
chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan, tham mưu với Ban cán sự đảng Chính
phủ chỉ đạo các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương xây
dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong Chỉ thị phù hợp
với chủ trương của Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản và toàn diện
nền giáo dục” góp
phần phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục
vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Trong quá trình triển khai thực hiện
Chỉ thị, các cấp ủy Đảng cần cụ thể hóa việc thực hiện từng
nhiệm vụ và giải pháp:
1. Nhiệm vụ
và giải pháp thứ nhất “Bổ sung và hoàn thiện
chính sách và bảo đảm các điều kiện cần thiết
hỗ trợ bậc mầm non phát triển bền vững; nâng dần tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5
tuổi được học mẫu giáo, thực hiện chăm sóc, giáo dục
2 buổi/ngày; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015”.
Các cấp ủy đảng
chỉ đạo chính quyền rà soát chính sách đối với giáo dục mầm non trên cơ sở đó
hoàn thiện và bổ sung những nội dung mới phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục;
tích cực huy động trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi vào học các lớp mẫu giáo, thực hiện
mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 25% trẻ dưới 3 tuổi được đi học ở nhà trẻ và
80% trẻ 3 đến 5 tuổi được đi học mẫu giáo.
Ban cán sự đảng Bộ Tài chính lãnh đạo
kịp thời việc phân bổ nguồn ngân sách cho các địa phương để
nhanh chóng phát triển giáo dục mầm non, từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập
giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Các địa phương cần cân đối nguồn
ngân sách, cùng với ngân sách của Trung ương đẩy nhanh phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp học ở giáo dục mầm non,
phấn đấu đến năm 2015 không còn lớp học tạm; 100% xã có ít nhất một trường mẫu
giáo; ở vùng sâu, vùng xa phải xây dựng lớp mẫu giáo tại các thôn, bản. Phấn đấu
đến năm 2015 có ít nhất 90% học sinh mầm non được học 2 buổi/ngày.
2. Nhiệm vụ và giải pháp thứ
hai “Tiếp tục củng cố vững
chắc và phát triển kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được; hoàn thành phổ cập
giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở những huyện,
xã chưa đạt chuẩn; từng bước tiến hành phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có
điều kiện theo quy định của Chính phủ
Các cấp, các ngành từ trung ương tới cơ sở cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ,
đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc 3 quan điểm chỉ đạo nêu trong Chỉ thị số
10-CT/TW.
Cấp ủy đảng các địa phương chỉ đạo hệ
thống chính trị quan tâm, giúp đỡ ngành, giáo dục trong việc huy động và tạo điều
kiện thuận lợi cho học sinh đi học; duy trì sĩ số trên lớp ở mức cao.
Trong những năm qua, sau khi hoàn
thành mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nhiều tỉnh/ thành phố có chủ
trương tiến hành phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Điều này không đúng với
tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã nêu trong Chỉ thị số 61
CT/TW, ngày 28/12/2000. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã yêu cầu: đối
với những tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển, kết quả phổ cập giáo dục
trung học cơ sở vững chắc, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục cấp tỉnh nhanh chóng chỉ đạo và tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục trung học (bao gồm: trung học phổ thông; trung cấp chuyên nghiệp và
trung cấp nghề; bổ túc văn hóa trung học phổ thông gắn với dạy nghề) theo quy định của Chính phủ.
3. Nhiệm vụ và giải pháp thứ
ba "Nhà nước tăng cường hỗ trợ giúp
các địa phương đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho người
trong độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ người tái mù chữ
ở người lớn, nhất là Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long và miền núi phía Bắc,
người lao động tự do ở các tỉnh, thành phố lớn".
Hiện nay, số người trong độ tuổi lao
động mù chữ vẫn còn nhiều và tập trung ở những địa phương
có điều kiện khó khăn. Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 01 triệu người lớn, hằng năm ngân sách nhà nước cần dành kinh
phí hỗ trợ, giúp các địa phương đẩy mạnh công tác xóa mù
chữ; có những giải pháp tích cực để giảm tỷ lệ tái mù chữ ở
người lớn, nhất là khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long và miền núi phía Bắc.
Các địa phương cần làm tốt công tác
điều tra, thống kê số lượng người lớn trong độ tuổi lao động còn mù chữ, xây dựng
kế hoạch, huy động nguồn lực địa phương cùng với nguồn lực hỗ trợ của trung ương thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hố Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các đô thị khác cần rà soát những người lao động trên địa
bàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức xóa mù chữ cho đối tượng
này.
4. Nhiệm vụ
và giải pháp thứ tư "Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt việc phân luồng học sinh
sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên
nghiệp, trung cấp nghề. Tăng
cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học nghề, hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông gắn
với dạy nghề, có cơ chế
khuyến khích các cơ sở tuyển dụng
học sinh sau trung học cơ sở qua đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được học liên thông lên các
cấp học cao hơn".
Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, hoàn
chỉnh và bổ sung chính sách theo hướng
khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp,
rà soát các đề án, dự án
giáo dục nghề nghiệp hiện có, động
viên người dạy, người học; khuyến khích những cơ sở sử dụng
học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương tập trung đầu
tư nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp từng bước đạt tiêu chuẩn quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng tiêu chuẩn và quy định về đào tạo liên thông giữa các ngành và giữa các cấp trình độ;
chấn chỉnh việc đào tạo liên thông, kiên quyết
xử lý các cơ sở đào tạo vi phạm các quy định của Nhà nước.
Các tỉnh, thành
phố, căn cứ vào các quy định của Chính phủ, chủ động ban hành
chính sách hỗ trợ tích cực cho công tác giáo dục nghề nghiệp thông qua việc
dành kinh phí nâng cấp các cơ sở dạy nghề; chính sách sử dụng lao động qua đào
tạo; hỗ trợ người học.
5. Nhiệm vụ
và giải pháp thứ năm “Tập trung nguồn lực
phát triển giáo dục nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó
khăn, vùng sâu, vùng xa. Có những giải pháp tích cực
để nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng khó khăn, đặc biệt
là học sinh là người dân tộc thiểu số”.
Ở những tỉnh khó khăn, địa bàn phức tạp,
thiên tai diễn ra nhiều, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đến nay vẫn chưa đồng
bộ, điều kiện học tập của học sinh gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tỷ lệ bỏ học
cao, chất lượng phổ cập giáo dục thấp,
kết quả phổ cập giáo dục không vững chắc. Mặt khác, vốn tiếng Việt
của học sinh là người dân tộc thiểu số vẫn còn rất kém ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.
Để khắc phục những tồn tại trên, đề
nghị Chính phủ và chính quyền các cấp
cần ưu tiên nguồn lực giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn củng cố và phát triển kết quả phổ cập
giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở một cách vững chắc; chỉ đạo các bộ,
ngành chức năng và các tỉnh khó khăn ưu tiên tập trung nguồn
kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, xóa phòng học tạm, đẩy nhanh
tiến độ kiên cố hóa trường học, xây nhà công vụ cho giáo viên; tăng chỉ tiêu
tuyển học sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú theo nhu cầu tạo nguồn cán bộ của địa phương; chuẩn bị tốt tiếng
Việt cho trẻ mẫu giáo, nhất là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số;
nâng mức hỗ trợ cho học sinh học bán trú từng bước tăng số học sinh tiểu học,
tiến tới học sinh trung học cơ sở ở những vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học 2 buổi/ ngày.
6. Nhiệm vụ
và giải pháp thứ sáu "Tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các trường sư phạm;
đổi mới chính sách thu hút học sinh giỏi vào các
trường sư phạm nhằm bảo đảm đủ số lượng và không ngừng
nâng cao chất lượng, bảo đảm chuẩn hóa về trình độ đội ngũ giáo viên".
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiến hành
nghiên cứu đổi mới toàn diện, đồng bộ hoạt động của các trường sư phạm, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới sách giáo
khoa vào năm 2015; bổ sung chính sách ưu tiên ngành sư phạm để thu hút học sinh
giỏi vào các trường sư phạm nhằm bảo đảm đủ số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
7. Nhiệm vụ
và giải pháp thứ bảy "Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hoàn thiện chính
sách thu hút giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn và giáo viên dạy bổ
túc văn hóa trung học phổ thông cho cơ sở dạy nghề và các
trung tâm giáo dục thường xuyên".
Bộ Chính trị đã yêu cầu các bộ, ngành
có liên quan nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện chính sách theo
hướng ưu đãi đối với giáo viên, nhất là với những giáo viên công tác tại những
vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giỏi được phân công tăng cường cho vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số;
tạo động lực cho giáo viên ngày càng yêu nghề và yên tâm phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục; xây dựng chính
sách ưu đãi đối với những giáo viên dạy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất
là những giáo viên có khả năng vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành.
8. Nhiệm vụ
và giải pháp thứ tám "Huy động
mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật
chất, bổ sung đồ dùng thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục
vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt chương trình đổi mới cơ
chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại
hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề; đồng thời
tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục".
Các địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa công tác
xã hội hóa giáo dục, không ngừng nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị đối
với công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
đầu tư cho giáo dục.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục dành kinh phí thông qua
chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo
dục; ưu tiên kinh phí cho những vùng đặc biệt khó khăn.
9. Nhiệm vụ và giải pháp thứ
chín "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản
lý nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục. Làm tốt công tác tuyên truyền vận
động, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt và những địa phương làm tốt công
tác phổ cập giáo dục; phối hợp liên ngành, phát huy kết quả hoạt động của các tổ
chức trong hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập
giáo dục. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm nâng
cao chất lượng phổ cập giáo dục.
Giai đoạn 2011 - 2020, công tác xóa mù chữ cho người
lớn trong độ tuổi lao động và phổ cập giáo dục đòi hỏi chất lượng và hiệu quả
cao hơn; nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, vì vậy rất cần sự quan tâm chỉ đạo và
giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền bằng những việc làm cụ thể và thiết thực,
thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; tăng cường đầu tư các
nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế
hoạch và chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Các cấp ủy đảng từ trung ương tới địa phương tổ
chức thực hiện và chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức cho cán bộ, đảng viên và
nhân dân thực hiện; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết việc
thực hiện Chỉ thị.
2. Đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng khẩn trương cụ thể hóa các nội
dung của Chỉ thị thành cơ chế, chính sách; xây dựng chương trình hành động, kế
hoạch triển khai.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với
Chính phủ xây dựng Nghị định quy định tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận phổ cập
giáo dục cho mỗi bậc học; quy định tiêu chuẩn đối với việc
xóa mù chữ cho người lớn; hướng dẫn Ban Chỉ đạo phổ cập
giáo dục các cấp kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho người lớn.
4. Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ
dành ngân sách cho công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ
thông qua chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2011 - 2020; tham mưu với Chính phủ tiếp tục ưu tiên ngân sách phát triển giáo dục ở những tỉnh có nhiều khó khăn.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục
và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Bộ Chính trị.
|
K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
Vũ Ngọc Hoàng
|