Công văn 3050/VKSTC-V14 năm 2020 hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 3050/VKSTC-V14
Ngày ban hành 17/07/2020
Ngày có hiệu lực 17/07/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Hoàng Thị Quỳnh Chi
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3050/VKSTC-V14
V/v hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi: VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế

Phúc đáp Công văn số 1256/BC-VKS-P2 ngày 09/2/2020 của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự; sau khi trao đổi ý kiến với Vụ 2 VKSND tối cao, Vụ 14 có ý kiến như sau:

1. Trường hợp A dùng kết quả của 02 đài xổ số trong cùng một ngày để làm kết quả đánh đề với những người chơi đề thì có xem là “tổ chức cho 02 chiếu bạc” trong cùng một lúc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 không?

Thứ nhất, “chiếu bạc” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 là thuật ngữ để chỉ về quy mô của một hoặc nhiều nhóm người cùng tham gia đánh bạc bằng hình thức như chơi xóc đĩa, tổ tôm, đánh chắn, tá lả, ba cây... Mỗi “chiếu bạc” phải có một số người nhất định cùng tham gia (thường là 04 người đối với các hình thức tổ tôm, đánh chắn... hoặc nhiều người đối với hình thức xóc đĩa, ba cây...); không thể coi kết quả của “01 đài xổ số” là 01 chiếu bạc. Do vậy, khi xử lý hành vi đánh bạc bằng hình thức chơi số đề thì không sử dụng thuật ngữ “chiếu bạc” để xác định trách nhiệm hình sự mà chỉ xem xét về tổng số tiền hay giá trị hiện vật dùng đánh bạc để làm căn cứ xử lý hình sự.

Thứ hai, về mặt bản chất hành vi của A (chủ đề) và những người chơi số đề là dùng kết quả xổ số để đánh bạc trái phép với mục đích được thua bằng tiền. Do vậy, hành vi của A là hành vi đánh bạc với những người chơi số đề (một người đánh bạc với nhiều người). Cần xem xét mặt khách quan của hành vi, ý thức chủ quan và mục đích thực hiện hành vi của A và những người chơi số đề để xử lý hành vi đánh bạc theo từng trường hợp cụ thể đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp A sử dụng các đại lý trung gian để ghi đề thì cần xem xét xử lý các đại lý trung gian về vai trò đồng phạm với A trong thực hiện hành vi đánh bạc.

Hơn nữa, tại mục 5.2. Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự quy định:

“Điều 1. Về một số quy định tại Điều 248 của Bộ luật hình sự

5.2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).

b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ”.

Như vậy, Nghị quyết số 01/2010 đã hướng dẫn xử lý hành vi của chủ đề và số tiền của chủ đề dùng đánh bạc theo Điều 248 Bộ luật Hình sự năm 1999.

2. Đối với các vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì áp dụng khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hay khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 để làm căn cứ xử lý?

Điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định tình tiết định khung tăng nặng: “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”. Việc xác định mức quy định về nồng độ cồn được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Hiện nay, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Do vậy, kể từ ngày 01/01/2020, đối với vụ án tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì căn cứ khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 để xử lý.

Trên đây là quan điểm của Vụ 14 về nhận thức áp dụng pháp luật kính gửi VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế để tham khảo.

(Kèm theo Công văn nay là Công văn số 260/VKSTC-V2 ngày 25/6/2020 của Vụ 2)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/c);
- Đ/c Trần Công Phàn, PVT VKSTC (để b/c);
- Lưu: VT, V14.

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ PHÁP CHẾ VÀ QUẢN LÝ KHOA HỌC




Hoàng Thị Quỳnh Chi