Hướng dẫn 3151/HD-BHXH năm 2014 triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 3151/HD-BHXH
Ngày ban hành 27/08/2014
Ngày có hiệu lực 27/08/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đỗ Thị Xuân Phương
Lĩnh vực Bảo hiểm,Thể thao - Y tế

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3151/HD-BHXH

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN THỰC HIỆN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ

Ngày 13/6/2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII (sau đây gọi là Luật BHYT sửa đổi), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Để Luật BHYT sửa đổi được quán triệt, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành, nhanh chóng đi vào cuộc sống của người dân và thực hiện Kế hoạch số: 2800/KH-BHXH ngày 31/7/2014 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi. BHXH Việt Nam hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Luật BHYT sửa đổi giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008, những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi; tạo sự thống nhất và đồng thuận xã hội về việc triển khai và thực thi Luật BHYT sửa đổi đối với các ngành, các cấp.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành và thực hiện những quy định của Luật BHYT sửa đổi. Đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động người lao động, chủ sử dụng lao động và nhân dân thực hiện tốt những quy định của Luật BHYT sửa đổi.

- Công tác tuyên truyền Luật BHYT sửa đổi cần được triển khai thường xuyên, liên tục và rộng khắp tới tất cả các nhóm đối tượng với nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo các đối tượng được tiếp cận đầy đủ những thông tin về chính sách BHYT nhất là những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi từ đó làm cho mọi người hiểu và tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHYT. Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH, vì vậy mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH là một tuyên truyền viên về BHYT. Góp phần hoàn thành mục tiêu và chỉ tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số cả nước tham gia BHYT.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Nhấn mạnh BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tuyên truyền làm rõ trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp thực hiện chính sách BHYT để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo địa phương, đơn vị.

2. Tuyên truyền về sự cần thiết và ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi.

3. Chú trọng tuyên truyền, cung cấp những thông tin về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ, phương thức và thủ tục đối với người tham gia BHYT, nhấn mạnh sự chia sẻ giữa các thành viên tham gia với phương châm lấy số đông bù số ít.

4. Tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật BHYT sửa đổi, trong đó nhấn mạnh những điểm mới của Luật như sau:

4.1. Về hình thức tham gia BHYT

BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

4.2. Về nhóm đối tượng tham gia BHYT

- Sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, bao gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm tự đóng BHYT.

- Bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT. Bổ sung một số nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT: Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo; người đang tại ngũ trong lực lượng vũ trang, thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; một số nhóm đối tượng được tổ chức BHXH đóng BHYT đó là người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

4.3. Về mức đóng BHYT và phương thức đóng BHYT

Bổ sung quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc một năm, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ BHYT.

4.4. Về mức hưởng BHYT

- Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

- Bổ sung quy định miễn cùng chi trả cho thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh; các thân nhân khác của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cùng chi trả 5%. Miễn chi trả cho người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.

- Mở rộng phạm vi thanh toán BHYT trong điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ dưới 6 tuổi; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra.

- Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến trung ương được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú, có mức hưởng theo quy định và không bị coi là vượt tuyến, trái tuyến.

- Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, có mức hưởng theo quy định và không bị coi là vượt tuyến, trái tuyến.

4.5. Về thẻ BHYT

- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.

- Người tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ