Hướng dẫn 21/HD-VKSTC-V5 năm 2015 về một số vướng mắc trong thực hiện Bộ Luật tố tụng dân sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 21/HD-VKSTC-V5
Ngày ban hành 10/04/2015
Ngày có hiệu lực 10/04/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Quảng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/HD-VKSTC-V5

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN BLTTDS

Để tiếp tục giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện BLTTDS thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự do Viện kiểm sát các địa phương báo cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) tổng hợp và trao đổi một số nội dung sau đây:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Điều 165 BLTTDS quy định người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, nhưng một số trường hợp tài liệu, chứng cứ đó do bị đơn hoặc người liên quan cất giữ. Do đó, Tòa án không thụ lý giải quyết theo Điều 171 BLTTDS thì Viện kiểm sát kiến nghị giải quyết thế nào ?

Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TAND tối cao hướng dẫn Điều 165 BLTTDS như sau: “Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Tòa án, người khởi kiện phải kèm theo chứng cứ để chứng minh họ có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ”. Những tài liệu, chứng cứ ban đầu được hiểu là bản sao tài liệu, các căn cứ, tài liệu chứng minh có các chứng cứ, tài liệu gốc như chứng từ, hóa đơn thanh toán theo hợp đồng, cam kết thanh toán nợ...Những chứng cứ, tài liệu gốc do đương sự khác cất giữ hoặc cơ quan nhà nước quản lý mà người khởi kiện chưa cung cấp được. Trường hợp người khởi kiện đã nộp đơn và các chứng cứ ban đầu mà Tòa án không thụ lý giải quyết thì Viện kiểm sát phải căn cứ Điều 165 BLTTDS, Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP để kiến nghị Tòa án thụ lý giải quyết đơn khởi kiện của đương sự.

2. Trường hợp người khởi kiện không có các tài liệu, chứng minh do thỏa thuận bằng lời nói thì Tòa án có thụ lý giải quyết không ?

Trường hợp người khởi kiện không có các chứng cứ, tài liệu chứng minh do các bên thỏa thuận bằng lời nói thì chưa đủ cơ sở để Tòa án thụ lý giải quyết đơn khởi kiện theo Điều 165 BLTTDS. Do đó, Tòa án phải thông báo trả lại đơn khởi kiện cho đương sự theo Khoản 1 Điều 168 BLTTDS.

3. Trường hợp đương sự khởi kiện “Đòi lại giấy chứng nhận quyền dụng đất” nhưng Tòa án áp dụng Điểm d Khoản 1 Điều 168 BLTTDS cho rằng chưa đủ điều kiện khởi kiện nên không thụ lý giải quyết. Nhưng Tòa án không thông báo trả lại đơn khởi kiện có đúng không ?

Điều 163 Bộ luật dân sự quy định: “Tài sản bao gồm tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”; đồng thời, Khoản 9 Điều 3 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (sửa đổi bổ sung năm 2012) hướng dẫn “Các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy đăng ký xe mô tô, xe máy, ô tô…) không phải là giấy tờ có giá”. Do đó, nếu đương sự khởi kiện đòi lại “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thì Tòa án căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 168 BLTTDS không thụ lý nhưng phải thông báo trả lại đơn khởi kiện cho đương sự theo quy định tại Điểm c khoản 4 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012.

4. Phân biệt giữa “vụ” hay “ việc” trong trường hợp có người yêu cầu Tòa án xác định lại cha, mẹ, con ?

Theo quy định của BLTTDS, nếu các cá nhân, cơ quan, tổ chức có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ và có các bên đương sự tham gia vào quan hệ tranh chấp, đó là vụ án dân sự. Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận cho mình quyền về dân sự, về nhân thân, đó là việc dân sự.

Khoản 2 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2012 quy định: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này”.

Căn cứ theo quy định trên, có các trường hợp như sau:

1) Tòa án giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có các bên tham gia tranh chấp thì đó là vụ án hôn nhân và gia đình;

2) Người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết đó là việc hôn nhân và gia đình;

3) Trong trường hợp có yêu cầu về xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết. Nếu có tranh chấp đó là vụ án hôn nhân và gia đình; không có tranh chấp đó là việc hôn nhân và gia đình.

5. Hiểu thế nào là “các yêu cầu khác về dân sự” thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án ?

Các yêu cầu khác về dân sự được quy định tại Khoản 8 Điều 26 BLTTDS chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, vận dụng hướng dẫn của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” (khoản 7 Điều 8), thì Các yêu cầu khác về dân sự” thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án được hiểu là các yêu cầu về dân sự mà Điều 26 BLTTDS chưa quy định nhưng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau đó hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia.

Ví dụ Điều 6 Luật công chứng năm 2014 quy định Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác”.

6. Đối với các yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn thì thụ lý vụ án dân sự hay thụ lý vụ án hôn nhân và gia đình ?

Trường hợp bản án giải quyết việc ly hôn đã có hiệu lực pháp luật nhưng sau đó người vợ hoặc người chồng lại có yêu cầu giải quyết về chia tài sản chung của vợ chồng thì đây là vụ án tranh chấp về tài sản. Tòa án phải thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp tài sản theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nhưng không giải quyết lại về hôn nhân và con chung đã được quyết định bởi bản án trước đó.

7. Trường hợp nào thì cần giám định tại các cơ sở công lập, trường hợp nào có thể giám định tại cơ sở ngoài công lập ?

Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định “Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự (Khoản 1 Điều 12); “Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả” (khoản 1 Điều 14). Do đó, về nguyên tắc việc xác định trường hợp cần giám định tại các cơ sở công lập hay ngoài công lập là căn cứ vào thẩm quyền, chức năng của tổ chức giám định và loại việc cần yêu cầu giám định.

8. Giải quyết tranh chấp giữa bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp Tòa án có tiến hành hòa giải không ?

Theo quy định tại Điều 181 BLTTDS những vụ án dân sự không được hòa giải trong các trường hợp sau: 1) Yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; 2) Những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 (sửa đổi năm 2014) quy định các hình thức bảo hiểm xã hội gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là hình thức bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Như vậy, trường hợp xảy ra tranh chấp giữa doanh nghiệp sử dụng lao động với cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện thì các bên có thể tiến hành hòa giải để giải quyết tranh chấp nhưng phải tuân theo quy định của Điều 180 BLTTDS.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là hình thức bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội, Điều 7 của Nghị định quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, như sau:

[...]