Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Hướng dẫn 160-HD/BTGTW năm 2015 về lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng qua báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Số hiệu 160-HD/BTGTW
Ngày ban hành 07/09/2015
Ngày có hiệu lực 07/09/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Nguyễn Thế Kỷ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 160–HD/BTGTW

Hà Nội, ngày 7 tháng 9 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

LẤY Ý KIẾN VÀ TỔNG HỢP Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG QUA BÁO CHÍ

1. Mục đích

- Động viên, tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội XII của Đảng.

- Tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong việc học tập, quán triệt, triển khai đưa Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan báo chí bám sát và quán triệt sâu sắc định hướng, mục đích, yêu cầu việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội XII của Đảng.

- Việc lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng văn kiện Đại hội XII của Đảng qua báo chí phải được tiến hành chặt chẽ, khoa học; phát huy được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân; phòng ngừa các thế lực xấu lợi dụng việc góp ý để tán phát thông tin, quan điểm thù địch, sai trái, tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, phủ nhận Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và công tác nhân sự Đại hội.

- Ý kiến đóng góp phải xuất phát từ động cơ đúng; thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với Đảng và đất nước; tôn trọng những vấn đề có tính nguyên tắc; bám sát gợi ý thảo luận của Trung ương đối với từng văn kiện; có tính khoa học và thực tiễn cao.

- Nội dung đóng góp cần cụ thể, dễ hiểu, dễ tiếp thu để Tiểu ban văn kiện hoàn thiện báo cáo.

- Văn bản tổng hợp ý kiến đóng góp cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu Hướng dẫn số 46 - HD/VPTW ngày 9/2/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng về tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

- Không để sai sót.

- Bảo đảm thời gian, tiến độ.

3. Nội dung

a. Công bố dự thảo văn kiện Đại hội XII

Từ ngày 15/9/2015, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam; các báo Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo điện tử Chính phủ; các báo Đại đoàn kết, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ TP.HCM, Lao động; các báo đảng bộ các tỉnh, thành; VietnamNet, VnExpress, DanTri đăng toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 để cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận nội dung các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.

b. Đăng tải ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội XII:

Triển khai từ 15/9/2015, kết thúc ngày 31/10/2015.

- Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII, tập trung thảo luận, đóng góp các vấn đề:

+ Đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; 30 năm đổi mới và 5 bài học lớn.

+ Dự báo tình hình thế giới và đất nước.

+ Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016 - 2020).

+ Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

+ Phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phương hướng nhiệm vụ phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường…

+ Phương hướng, nhiệm vụ đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về giáo dục, đào tạo; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và các giải pháp thực hiện.

+ Quan điểm về quản lý phát triển xã hội; về các chính sách bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

+ Phương hướng, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai.

+ Quan điểm, mục tiêu, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế; định hướng, giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[...]