Hướng dẫn 16/HD-VKSTC năm 2024 về một số kỹ năng của kiểm sát viên khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 16/HD-VKSTC
Ngày ban hành 11/07/2024
Ngày có hiệu lực 11/07/2024
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Kim Sáu
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2024

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ KỸ NĂNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI KIỂM SÁT VIỆC XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự (THADS) là một nội dung của công tác kiểm sát THADS, được Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) ba cấp[1] thực hiện. Thực tế, trong những năm qua, VKSND các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật của Chấp hành viên (CHV) và cơ quan THADS để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) của VKSND các cấp còn có một số hạn chế, tồn tại như: Một số việc chậm thực hiện việc kiểm sát hoặc chậm phát hiện vi phạm; báo cáo đề xuất hướng xử lý của Kiểm sát viên (KSV) còn chung chung, không nêu cụ thể biện pháp xử lý. Một số kháng nghị, kiến nghị chất lượng chưa cao. Số việc Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành xác minh điều kiện THA chưa nhiều; phần lớn được kiểm sát qua việc xem xét, nghiên cứu các tài liệu xác minh điều kiện THA của CHV nên việc nắm bắt thông tin về điều kiện THA của đương sự có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện được vi phạm để thực hiện quyền kiến nghị hoặc kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát xác minh điều kiện THADS, nhận diện được các dạng vi phạm trong việc xác minh điều kiện THADS, VKSND tối cao (Vụ 11) hướng dẫn một số kỹ năng của KSV khi kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS, cụ thể như sau:

1. Kiểm sát việc Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Đây là hoạt động cơ bản, phổ biến trong công tác kiểm sát THADS nói chung và kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS nói riêng. Cơ sở kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS trước hết là những tài liệu có trong hồ sơ THADS, thông thường gồm: Bản án, quyết định được đưa ra thi hành; quyết định THA; biên bản giao trực tiếp hoặc tài liệu thể hiện việc thông báo quyết định THA cho đương sự, đặc biệt là cho người phải THA; biên bản giải quyết việc THA; các văn bản thể hiện việc xác minh của cơ quan THADS (tài liệu xác minh trực tiếp, xác minh qua ủy quyền hoặc qua văn bản yêu cầu cung cấp thông tin), các tài liệu thể hiện việc xử lý kết quả xác minh, các tác nghiệp sau đó của CHV...

Mục đích của việc nghiên cứu hồ sơ nhằm xác định nghĩa vụ phải thi hành của người phải THA (được tuyên trong bản án, quyết định của Toà án); căn cứ THA (quyết định THA); xác định thời hạn tự nguyện THA (tài liệu tống đạt quyết định THA), đối tượng, nội dung, cách thức xác minh (tài liệu về xác minh), các biện pháp tác nghiệp từ kết quả xác minh...; căn cứ để tiến hành kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS là những nội dung quy định tại Điều 44, Điều 45 Luật THADS. Việc kiểm sát xác minh điều kiện THADS cụ thể như sau:

1.1. Kiểm sát về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án dân sự

- Thứ nhất, Thời hạn xác minh bước đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 44, Điều 45 Luật THADS: Khi hết thời hạn tự nguyện mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì CHV phải tiến hành xác minh điều kiện THA đối với tất cả các vụ việc phải tổ chức THA mà đương sự không tự nguyện, không thỏa thuận trong thời hạn tự nguyện THA. Thời hạn tự nguyện THA là 10 ngày được tính từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA. Kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thì CHV có tối đa 10 ngày sau đó để thực hiện xác minh điều kiện THA, trường hợp CHV xác minh khi chưa hết thời hạn tự nguyện hoặc quá thời hạn tự nguyện đều được xác định vi phạm thời hạn xác minh (trừ trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời).

Như vậy, ngay từ khi tiếp nhận quyết định THA, KSV đồng thời cần kiểm sát tính hợp pháp của quyết định, việc thực hiện thông báo về THA để có cơ sở cho việc kiểm sát quá trình xác minh điều kiện THA, đồng thời kiểm sát các tác nghiệp khác của CHV để nắm chắc tình hình kết quả thi hành vụ việc, đối chiếu với quy định tại các Điều 30, 35, 36, 44, 45 Luật THADS để kịp thời phát hiện vi phạm, yêu cầu khắc phục (nếu có). Từ kết quả nghiên cứu, KSV xác định có hay không có vi phạm về căn cứ và thời hạn xác minh, đặc biệt là vi phạm trong việc ấn định thời hạn tự nguyện THA.

- Thứ hai, Thời hạn xác minh lại theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật THADS: Theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật THADS, CHV tiến hành xác minh lại trong các trường hợp: Xét thấy cần thiết sau khi có kết quả xác minh mà có kết quả xác minh do người được THA cung cấp khác kết quả xác minh của CHV; và/hoặc do VKSND kháng nghị về vi phạm dẫn đến sai lệch kết quả xác minh điều kiện THA. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về điều kiện THA do người được THA hoặc người do người được THA ủy quyền cung cấp; hoặc ngày nhận được kháng nghị của VKSND, CHV phải tiến hành xác minh lại.

Về kiểm sát hoạt động này, pháp luật không quy định việc gửi kết quả tự xác minh của người được THA cho VKSND hoặc quy định việc cơ quan THADS phải thông báo việc nhận kết quả xác minh của người được THA cho VKSND. Do đó, nếu không thuộc trường hợp VKSND kháng nghị, thì khi kiểm sát xác minh lại cần xác định ngày cơ quan THADS nhận thông tin về điều kiện THA để xác định có hay không vi phạm về thời hạn xác minh lại.

- Thứ ba, Thời hạn xác minh điều kiện THA đối với những trường hợp đã có quyết định chưa có điều kiện THA theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật THADSĐiều 9 Nghị định 62/2015 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 33/2020): Kiểm sát việc xác minh theo định kỳ của CHV ít nhất 06 tháng một lần, trường hợp người phải THA đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành còn từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú thì thời hạn xác minh lại ít nhất là 01 năm. CHV phải thực hiện xác minh lại theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật THADSkhoản 4 Điều 9 Nghị định 62/2015, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông tin mới về điều kiện THA, CHV phải tiến hành xác minh lại.

- Thứ tư, Thời hạn trả lời ủy quyền xác minh điều kiện THA theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật THADSkhoản 2 Điều 9 Nghị định 62/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020): Đối với bất động sản và động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, thời hạn trả lời kết quả xác minh là 30 ngày hoặc có thể kéo dài trong thời hạn không quá 45 ngày, nếu trường hợp xác minh tài sản gặp khó khăn, vướng mắc; đối với các loại tài sản khác và thông tin khác, thời hạn trả lời kết quả xác minh dài nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.

- Thứ năm, Thời hạn trả lời phối hợp xác minh theo quy định tại khoản 6 Điều 44 Luật THADS: Khác với ủy quyền xác minh điều kiện THA, phối hợp xác minh là quy định về trách nhiệm của cơ quan THADS và các cơ quan chức năng có liên quan, khi cơ quan THADS yêu cầu phối hợp. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của CHV, yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA, phục vụ việc xác minh điều kiện THA, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan THADS đã có công văn yêu cầu, nếu không thuộc trường hợp CHV lập biên bản xác minh trực tiếp. Ngoài ra, nhằm bảo đảm quyền tự xác minh của người được THA, tại điểm c khoản 6 Điều 44 Luật THADS quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý thông tin về tài sản, tài khoản của người phải THA phải cung cấp cho người được THA hoặc người được ủy quyền của người được THA trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đây là cơ sở pháp lý quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người được THA trong việc thực hiện xác minh của cơ quan THADS  cũng như là cơ sở pháp lý thuận lợi để VKSND thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát về thời hạn xác minh điều kiện THA của cơ quan THADS, cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân chức năng khác có liên quan theo quy định tại Điều 12 Luật THADS.

1.2. Kiểm sát về đối tượng, nội dung xác minh điều kiện thi hành án dân sự

- Xác định đối tượng được THA, phải THA, trường hợp người phải THA là cá nhân: Theo quy định tại Điều 44 Luật THADS, văn bản về xác minh điều kiện THA phải đảm bảo cả về nội dung (kết quả xác minh của CHV phải thể hiện được tài sản, thu nhập hợp pháp, điều kiện thi hành khác của người phải THA) và hình thức, thủ tục (khi xác minh tại địa phương phải có xác nhận của đại diện UBND hoặc Công an cấp xã; tại cơ quan, tổ chức người phải THA làm việc thì phải có xác nhận của đại diện cơ quan, tổ chức, xác nhận của cá nhân nơi tiến hành xác minh. Nếu người người phải THA là cơ quan, tổ chức thì ngoài việc xác minh điều kiện THA như của cá nhân thì hoạt động của cơ quan, tổ chức là cơ sở để xác định điều kiện THA, thể hiện qua hệ thống sổ sách và các thông tin hoạt động tại các cơ quan chức năng. Cho nên, pháp luật quy định, ngoài việc phải xác minh tài sản hữu hình thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức, khi xác minh điều kiện THA, CHV còn phải xem hồ sơ, tài liệu, việc quản lý vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguồn kinh phí... theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 44 Luật THADS.

- Xác định nội dung phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án và đơn yêu cầu THA của người được THA (nếu là việc THA theo đơn): Nghĩa vụ về tiền, tài sản hay buộc thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định… ; thời điểm phải thi hành nghĩa vụ (cần chú ý đến nghĩa vụ theo định kỳ để có cách thức xử lý cho phù hợp); nghĩa vụ liên đới hay độc lập? Có được bảo đảm bằng tài sản hay không? Đối với việc thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản nói chung thì phải xác định tài sản của người phải THA ở địa phương (để có cơ sở thực hiện việc ủy quyền xác minh và ủy thác nếu người phải THA có tài sản ở nơi khác); cần lưu ý nếu tài sản thuộc diện phải đăng ký quyền sử dụng, sở hữu thì ngoài việc xác minh ở địa phương, CHV phải xác minh tại cơ quan đăng ký, cơ quan tổ chức nắm giữ thông tin, xác minh làm rõ tình trạng thực tế của tài sản, có thuộc tài sản chung hay tài sản đang có tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng với người thứ ba…, để kiểm sát việc xác minh toàn diện của CHV vì chỉ khi CHV xác minh được cụ thể đối tượng THA thì mới có biện pháp tác nghiệp đúng đắn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người liên quan trong quá trình tổ chức THA. Qua việc căn cứ vào nghĩa vụ THA được ghi trong bản án và quyết định THA, KSV xác định đối tượng, phạm vi và những vấn đề liên quan cần xác minh. Từ đó đối chiếu với hoạt động xác minh của CHV, xác định nội dung nào cần yêu cầu xác minh thêm để làm rõ điều kiện THA.

Như vậy, trong quá trình kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS, KSV cần nắm chắc hồ sơ, đặc biệt là nội dung cơ bản mà CHV cần xác minh như: nhân thân của người phải THA; điều kiện tài sản của người phải THA; quan điểm của chính quyền địa phương; các điều kiện khác phát sinh để thực hiện những thủ tục tiếp theo trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc, để kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức THA, cũng như đảm bảo việc xác minh điều kiện THA và tổ chức thi hành vụ việc được kịp thời, hiệu quả và tuân thủ trình tự thủ tục pháp luật quy định.

1.3. Kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự trong một số trường hợp cụ thể

Một là, kiểm sát việc xác minh đối với tài sản là bất động sản là đối tượng xử lý để THA, đặc biệt là quyền sử dụng đất, nhà ở: KSV xem xét tài liệu thể hiện việc xác minh của CHV về tình trạng của nhà, đất như: Nhà đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai, là tài sản chung hay riêng? Người đang quản lý, sử dụng tài sản? Vị trí, diện tích nhà đất được cấp trong giấy chứng nhận và thực tế hiện trạng? Được phép chuyển quyền sở hữu, sử dụng? Có thể phân chia hay không? Giá trị ước tính của tài sản (để đảm bảo nguyên tắc kê biên tài sản tương ứng với nghĩa vụ THA của người phải THA)? Tài sản có thế chấp, bảo lãnh? Có nằm trong quy hoạch hoặc có bị tranh chấp không?...

Trường hợp có thông tin người phải THA đã được bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh nhà đất cho người khác thì KSV phải xem xét nội dung xác minh về việc CHV có yêu cầu đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xuất trình các hợp đồng, văn bản chứng minh việc chuyển dịch, xem xét tính hợp pháp của giao dịch đó, đặc biệt chú ý thời điểm diễn ra giao dịch. Trường hợp người phải THA chuyển dịch hoặc thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để và không còn tài sản khác để đảm bảo nghĩa vụ THA... Những thông tin này là căn cứ để CHV thực hiện việc cưỡng chế THA theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015 (được sửa đổi bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 33/2020).

Hai là, kiểm sát việc xác minh đối với tài sản là động sản: KSV cần xem xét CHV đã thực hiện việc xác minh tài sản thuộc sở hữu của ai; Người đang quản lý, sử dụng tài sản đó; Tài sản thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng;... Tình trạng cụ thể của tài sản (số lượng, chất lượng, chủng loại); Có bị cầm cố, thế chấp, bảo lãnh không? Có thuộc diện không được kê biên theo quy định tại Điều 87 Luật THADS không?...

Ba là, kiểm sát việc xác minh đối với tài sản là tiền: Kiểm sát việc CHV thực hiện xác minh số tiền của người phải THA đang do tổ chức tín dụng quản lý hay do người thứ ba giữ, xác minh có hay không có việc mở tài khoản hoặc tiền gửi tiết kiệm của người phải THA tại tổ chức tín dụng, nếu có thì số tiền còn trong  tài khoản, trong sổ tiết kiệm là bao nhiêu, có thuộc diện được xử lý để THA hay không? Nếu là người thứ ba đang giữ tiền của người phải THA thì số tiền đó là bao nhiêu? Căn cứ xác định người thứ ba đang giữ tiền của người phải THA (theo Bản án, quyết định của Tòa án, hoặc thông qua hợp đồng, giao dịch dân sự ,…?) Tiền đó dùng để thực hiện công việc gì? Các nội dung cần phải chi từ số tiền đó (nếu có) để xác định thứ tự ưu tiên? Thời điểm phát sinh trách nhiệm của các bên (thời điểm các bên phải thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng? Thời điểm nghĩa vụ đến hạn theo bản án, quyết định...).

Bốn là, kiểm sát việc xác minh điều kiện THA để thi hành nghĩa vụ trả vật, trả giấy tờ, tài sản: KSV kiểm sát việc CHV có tập trung xác minh các nội dung: Vật phải giao/trả có còn không; có phải là vật đặc định hay vật cùng loại? Ai là người đang quản lý hoặc sử dụng vật phải giao; Tình trạng của vật phải giao: số lượng, chất lượng, chủng loại; có gì khác với bản án, quyết định đã tuyên không? Nếu có khác là do bản án tuyên không chính xác, hay do thời gian, ngoại cảnh tác động, hay do bị phá hỏng, huỷ hoại? Ai là người phá hỏng, hủy hoại, làm giảm giá trị của vật phải giao?...

Năm là, kiểm sát việc xác minh để thi hành nghĩa vụ giao quyền sử dụng đất hoặc trả nhà, giao nhà: Quá trình kiểm sát cần nghiên cứu tài liệu về xác minh của CHV xem đã đảm bảo các nội dung như: Nhà đất phải giao đang do ai quản lý, sử dụng (có phải là người phải THA không…); giấy tờ nhà đất đang do ai nắm giữ? Các nhân khẩu hiện đang cư trú tại đây (có người già, trẻ em, các đối tượng chính sách cần quan tâm không…)? Các tài sản hiện có ở trong nhà, trên đất bao gồm những tài sản gì? Tình trạng nhà đất phải giao so với nội dung bản án, quyết định không (xây dựng, sửa chữa hay phá dỡ…); nếu có thay đổi thì thời điểm thực hiện sự thay đổi đó là thời điểm nào (trước hay sau khi có bản án, quyết định); Địa hình, giao thông xung quanh, mốc giới.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ