Hướng dẫn 1528/HD-STNMT năm 2014 công tác trích lục, trích đo địa chính tại tỉnh Yên Bái

Số hiệu 1528/HD-STNMT
Ngày ban hành 30/07/2014
Ngày có hiệu lực 30/07/2014
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Cao Minh Tuấn
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1528/HD-STNMT

Yên Bái, ngày 30 tháng 07 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC TRÍCH LỤC, TRÍCH ĐO ĐỊA CHÍNH TẠI TỈNH YÊN BÁI.

Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ - CP ngày 22/01/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Thông tư số 05/2009/TT-BTNMT ngày 01/6/2009 hướng dẫn kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm địa chính;

Căn cứ Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính;

Căn cứ Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính;

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công tác trích lục, trích đo địa chính tại tỉnh Yên Bái, như sau:

I. Quy định chung

1. Phạm vi áp dụng

a) Hướng dẫn này quy định về trình tự, nội dung trích lục bản đồ, trích đo địa chính phục vụ cho công tác: Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận), chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và thực hiện các nội dung liên quan tới công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

b) Công tác đo đạc theo Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (gọi tắt là Dự án tổng thể) thực hiện theo Hướng dẫn số 1425/HD-STNMT ngày 18/7/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính theo đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Yên Bái.

c) Các trường hợp khác không nêu trong Hướng dẫn này được thực hiện theo Nghị định số 12/2002/NĐ-CP; Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT và các quy định hiện hành của Nhà nước liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ.

2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động đo đạc bản đồ phục vụ cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình và thực hiện các nội dung liên quan tới công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

3. Nguyên tắc thực hiện: Các đơn vị thực hiện công tác đo đạc, thành lập bản đồ địa chính phải có Giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cấp còn thời hạn sử dụng.

II. Một số khái niệm

1. Trích đo địa chính: Là việc đo đạc địa chính riêng biệt đối với thửa đất phục vụ cho quản lý đất đai ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng không đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai hoặc có biến động về ranh giới sử dụng đất của thửa đất phải chỉnh lý.

2. Trích lục bản đồ địa chính, trích lục bản trích đo địa chính (gọi chung là trích lục): Là sao y bản chính của một hay nhiều thửa đất trên bản đồ địa chính.

3. Ranh giới đo vẽ, lập bản trích đồ địa chính, trích lục bản đồ trong trường hợp thu hồi đất được xác định theo phạm vi giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt. Trường hợp diện tích còn lại của thửa đất ở nhỏ hơn hạn mức tối thiểu hoặc thửa đất có diện tích còn lại quá nhỏ hoặc diện tích còn lại lớn nhưng chiều rộng của thửa đất còn lại quá hẹp, khó khăn cho quản lý, sử dụng đất thì đo trọn thửa.

III. Nội dung và nguyên tắc thành lập bản đồ

1. Cơ sở toán học và độ chính xác đo đạc, lập bản đồ trích đo địa chính:

a) Cơ sở toán học, độ chính xác bản đồ trích đo thực hiện theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

b) Một số lưu ý về công tác chia mảnh.

- Đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính thì công tác chia mảnh, đánh số hiệu mảnh bản đồ trích đo theo quy định tại các Khoản 5, 6, 7 Điều 5 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

- Đối với các khu vực chưa có bản đồ địa chính được lựa chọn theo phương pháp chia mảnh theo tọa độ độc lập, nhưng phạm vi của mảnh bản đồ không nhỏ hơn khổ A4 và không lớn hơn khổ A0.

2. Chọn tỷ lệ đo vẽ bản trích đo địa chính, trích lục bản đồ

2.1. Tỷ lệ cơ bản của bản trích đo địa chính được quy định như sau:

a) Tỷ lệ 1: 500: Áp dụng với đất ở đô thị, đất nông nghiệp mà các thửa đất nhỏ, hẹp hoặc xen kẽ trong khu vực đất đô thị; đất phi nông nghiệp thuộc các phường trong thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, thị trấn thuộc các huyện; khu dân cư nông thôn mật độ thửa đất dạng đô thị; các công trình theo tuyến (như kênh mương thuỷ lợi, đường giao thông, đường điện, đường dây thông tin,...) có mặt cắt ngang nhỏ hơn 10 mét.

[...]