Hướng dẫn 120-HD/BTGTW năm 2020 tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Cô-rô-na gây ra do Ban Tuyên giáo trung ương ban hành

Số hiệu 120-HD/BTGTW
Ngày ban hành 03/02/2020
Ngày có hiệu lực 03/02/2020
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Lê Mạnh Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 120-HD/BTGTW

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO VI RÚT CÔ-RÔ-NA GÂY RA

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na (nCoV) gây ra đã xảy ra tại Trung Quốc và lây lan rất nhanh tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh nguy hiểm nhưng đến nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Cô-rô-na gây ra, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh này như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na gây ra; khẳng định nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân để chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

2. Thông qua tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát dịch, không để lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020.

3. Công tác tuyên truyền cần kịp thời, chính xác, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

- Tuyên truyền, làm rõ tình hình và tính chất nguy hiểm, nguy cơ và tác hại của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na gây ra; tập trung tuyên truyền chính xác, kịp thời diễn biến tình hình của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Tuyên truyền triển khai thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Cô-rô-na gây ra; Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na gây ra; cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh lây lan. Xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành với tinh thần quyết tâm cao nhất trong công tác phòng, chống dịch trên nhiều mặt: từ công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống tại chỗ; việc xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch cho đến công tác thông tin tuyên truyền đến từng người dân, công tác kiểm soát, quản lý, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc và các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh...

- Tuyên truyền, biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch từ Trung ương tới địa phương. Lưu ý chỉ rõ sự chủ động, tích cực của các ban, bộ, ngành, địa phương, nhấn mạnh: đến ngày 31/01/2020, Bộ Y tế đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh, Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 đội và đã thực hiện kết nối trực tuyến 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 04 bệnh viện tuyến quân đội Trung ương trong việc sẵn sàng hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch bệnh.

- Tuyên truyền, giáo dục người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng, với phương châm tự dự phòng là chính. Tập trung tuyên truyền, vận động những người có nguy cơ nhiễm dịch cao yên tâm, tin tưởng tự giác đến các cơ sở y tế khám, điều trị; thực hiện các biện pháp cách ly khoa học, tránh biểu hiện kỳ thị, xa lánh. Gắn công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh với tuyên truyền, phổ biến Luật xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; các văn bản quy phạm pháp luật về cấm nhập khẩu, tiêu thụ động vật hoang dã nhất là tại các địa phương có đường biên giới... nhằm góp phần hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm.

- Phát hiện, đấu tranh kịp thời với những biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với sức khỏe, tính mạng của người dân; những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân; những hành vi che dấu thông tin hoặc tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng...

III. CÁC HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN CHỦ YẾU

1. Thông tin, tuyên truyền trên báo chí: thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh phát sóng vào các khung giờ vàng, ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh.

2. Tuyên truyền qua các ấn phẩm tuyên truyền (tờ rơi, sổ tay, bản tin thông báo nội bộ, tài liệu tuyên truyền, tài liệu hỏi-đáp...).

3. Tuyên truyền trực quan bằng băng - rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích...nhất là trên các tuyến đường trung tâm, trung tâm Văn hóa - Thể thao, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, trường học, bệnh viện, tổ dân phố, nơi công cộng...

4. Tuyên truyền trên các website, trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố.

5. Tổ chức hội nghị nội bộ cấp ủy, hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp...

6. Tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình nhằm thông tin kịp thời các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch.

7. Tuyên truyền bằng xe lưu động đến từng địa bàn dân cư, chú trọng các thôn, xã vùng sâu, vùng xa, địa phương có đường biên giới với Trung Quốc.

8. Tuyên truyền trên internet, mạng xã hội: Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân tích cực đăng tải các tin, bài viết, thông tin chính thống về nguyên nhân, tác hại, cách phòng, chống dịch trên internet, mạng xã hội trong và ngoài nước (Facebook, Zalo, Youtube, VCNET...).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phòng, chống có hiệu quả bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Cô-rô-na gây ra, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị:

1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong nhân dân, nhất là ở các trường học, nơi công cộng, nơi tập trung đông người, những vùng và đối tượng có nguy cơ cao bằng nhiều hình thức phù hợp; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh. Lưu ý chỉ đạo xây dựng kế hoạch, cấp độ thông tin, tuyên truyền cho phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, trật tự an toàn xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

- Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng để người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, tuyên truyền để thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh và kịp thời khuyến cáo người dân đến ngay các cơ sở y tế khám, điều trị khi có dấu hiệu của bệnh; đồng thời cách ly kịp thời không để lây lan dịch bệnh.

- Đối với các địa phương có đường biên giới tiếp giáp với các nước, nhất là với Trung Quốc, cần tập trung tuyên truyền nhân dân không đi lại ở đường mòn, lối mở; việc đi lại ở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính phải được kiểm soát thân nhiệt và những biện pháp khác như khai báo y tế bắt buộc; không nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam và các vùng trong cả nước; lập kênh liên lạc với các cấp địa phương tương ứng của các nước để nắm thông tin cập nhật hàng ngày và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ